Theo Bộ Y tế, trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5, nữ giới đứng thứ 2 nhưng số năm bệnh tật lại cao. Trung bình, mỗi người Việt sống hơn 10 năm với bệnh tật, làm giảm số năm sống khỏe mạnh. 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng.
Thứ nhất là chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi còn cao, trong khi thừa cân, béo phì gia tăng. Nhiều trẻ thiếu vitamin A và vi chất, ảnh hưởng đến phát triển thể lực, tầm vóc và làm tăng bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm tăng, chiếm hơn 2/3 gánh nặng bệnh tật và tử vong. Nguyên nhân chính là hút thuốc, uống rượu bia, ăn nhiều muối, ít rau xanh, trái cây và lười vận động. Khoảng 1/5 dân số bị thừa cân, 44% người trưởng thành có cholesterol cao.
Đặc biệt, 15,3% người từ 40 - 69 tuổi có nguy cơ cao bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trong 10 năm tới nhưng chỉ 40,8% được tư vấn phòng ngừa. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cũng làm tăng bệnh tật và số ca nhập viện.
Theo TS, BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đáng lưu ý, mặc dù tuổi thọ của người Việt khá cao nhưng không chất lượng.
Khoảng 60% sức khỏe yếu đến rất yếu. Ngoài ra, trung bình người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật, mắc khoảng 3 - 6 bệnh nền... "Đây thực sự là bài toán của ngành y khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế, bệnh viện quá tải", bác sĩ Trung Anh nói.
Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Một gánh nặng khác khiến tuổi già trở nên khó khăn là hơn 70% người cao tuổi không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái.
Trong đó, hơn 65% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định.
Bộ Y tế mới đây đã có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe. Trước đó, Chính phủ đã nhất trí đưa dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Với quan điểm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh tập trung vào 5 chính sách: Bắt buộc tiêm vaccine cho người có nguy cơ tại vùng dịch; dinh dưỡng và sức khỏe; phòng chống rối loạn tâm thần; phòng chống bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe người dân.
Duy Anh
Báo Lao động và Xã hội số 6