Trung tâm Y tế TP Bà Rịa (Vũng Tàu) cho biết bệnh nhân (BN) nữ V.T.T.D. (SN 1971, trú phường Long Tâm) đã tử vong sau nhiều tháng bị mèo cào xước, gây chảy máu nhẹ. Thông tin dịch tễ cho thấy ngày 25/5, BN bị mèo nuôi trong nhà cào xước chân, chảy máu nhẹ. BN không đi tiêm phòng bệnh dại.
Đến ngày 20/11, bà T.D. phát sốt, đau họng, mệt mỏi và ngày 23/11 nhập Bệnh viện Bà Rịa. Ngày 24/11, người nhà chuyển BN lên Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM với chẩn đoán bệnh dại không đặc hữu. Rạng sáng 25/11, BN được đưa về lại Bệnh viện Bà Rịa và tử vong trong ngày.
Kết quả xét nghiệm PCR của BN tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho thấy dương tính với vi rút dại. Thông tin từ người nhà cho biết, con mèo đã cào BN là mèo cỏ, chưa từng được tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Tối 20/11, bé gái 5 tuổi tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị hai con chó béc giê lao vào cắn liên tiếp ở vùng cổ và bụng. Dù được đưa đi cấp cứu ngay nhưng bé đã không qua khỏi do vết thương quá nặng. Hai con chó béc giê là của bà Phùng Thị Sơn được thả đi vệ sinh mà không đeo rọ mõm.
Trước đó tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, bé trai 8 tuổi P.N.T.T đang chơi ở nhà bà nội thì bị con chó pitbull nặng hơn 30kg bất ngờ tấn công, cắn liên tiếp vào tay và cổ. Mọi người đuổi đánh con chó, cứu cháu bé ra và đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng bé T. đã tử vong do vết thương quá nặng.
Tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, chó pitbull cũng đã tấn công làm tử vong một người trong quán cà phê. Người chủ lao vào cứu cũng bị con chó cắn bị thương nặng…
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu nặng do chó dữ tấn công. Nhiều ca đưa đến viện trong tình trạng mất máu nghiêm trọng, trên người chằng chịt vết thương. Nhiều ca đã được các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng không qua khỏi.
Theo bác sĩ, vi rút dại có quá trình ủ bệnh rất phức tạp, chỉ 7 đến 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài vài năm, thậm chí 10 năm tùy mức độ nặng, nhẹ và vị trí vết cắn. Điều này gây khó kiểm soát quá trình theo dõi và điều trị.
Một số trường hợp bị chó mèo cắn, cào hoặc liếm lên vết thương hở, vết xước nhẹ, vị trí xa các đầu mút thần kinh… được cho là không nguy hiểm nên không tiêm phòng dại. Tuy nhiên, thực tế vi rút dại đã xâm nhập vào cơ thể, sau một thời gian dài mới khởi phát triệu chứng khiến người bệnh tử vong.
Bệnh dại khi đã phát triệu chứng thì 100% tử vong, cách phòng ngừa duy nhất là tiêm vaccine. Do đó, nếu chẳng may bị động vật cào, cắn hoặc liếm lên vết thương hở, người dân cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể, tốt nhất là ngay trong ngày đầu tiên.
Bác sĩ Trần Quang Đại phòng tư vấn tiêm chủng vaccine Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cho biết, người dân phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm phòng cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu).
Khi bị chó, mèo cắn, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay với xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục trong 10 - 15 phút. Với vết thương lớn và phức tạp, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng. Tuyệt đối không sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc để bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà.
“Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó mèo nuôi hoặc chó mèo lạ. Nhà có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ. Bắt buộc tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ, ra đường phải rọ mõm hoặc xích”, bác sĩ Đại khuyến cáo.
Pháp luật đã quy định rõ các chế tài đối với hành vi thả rông và không đeo rọ mõm cho chó khi ra nơi công cộng. Theo đó, người thả rông chó trong khu đô thị có thể bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng, còn hành vi không rọ mõm hoặc không xích giữ chó có mức phạt từ 1 đến 2 đồng.
Trong trường hợp chó gây thương tích hoặc cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án lên tới 10 năm tù. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe và cần tăng cường thực hiện nghiêm để nâng cao ý thức của người dân.
Thanh Hòa
Báo Lao động và Xã hội số 144