Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hãi hùng chó thả rông, không rọ mõm nơi công cộng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - 2 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong do chó dại cắn. Tuy nhiên, tại nhiều địa điểm đông người như công viên, vườn hoa, nơi công cộng của Hà Nội vẫn diễn ra tình trạng chó thả rông và không được rọ mõm, khiến người dân bức xúc, lo sợ.

Hiểm họa rình rập

Khoảng 16h, tại Công viên hồ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), rất nhiều người dân từ già tới trẻ nhỏ đi dạo, tập thể dục. Cùng với đó là các loại chó to, nhỏ, chó cảnh được người dân dắt đi cùng, thậm chí nhiều người dắt theo 2-3 con cùng chạy tập thể dục. 

Đặc biệt, có những con chó to chạy qua chạy lại ngay lối đi rồi rẽ ngang vào bãi cỏ phóng uế, nhưng không có dây xích, cũng không có chủ đi cùng và đương nhiên không rọ mõm.

3a.jpg
Người dân vô tư dắt chó không rọ mõm đi dạo ở công viên hồ Thành Công.

Tranh thủ ngồi nghỉ nơi ghế đá khi vừa đi  hai vòng quanh hồ, bà Trần Thị Nga, ở đường Nguyên Hồng bày tỏ: “Mỗi ngày có vài chục loại chó cảnh, chó ta được người dân dắt ra đây, đa phần khi đến nơi chủ thường tháo xích để chó chạy tự do.

Nhiều con chó to, lông xù, hung dữ, lưỡi thè dài chảy nước dãi khiến tôi khiếp sợ. Nhưng vì ở đây rộng, phù hợp việc đi bộ, tập thể dục nên tôi đành chấp nhận, dù nhiều lúc rất khó chịu”.

Ông Trung, người dân ở phố Thành Công cho biết, khoảng từ 17 giờ trở đi là người dân dắt chó đi dạo công viên rất đông. Có những con không rọ mõm, không biết đã tiêm phòng dại hay chưa, vẫn hằng ngày được chủ nuôi thả rông ra đường, là nỗi lo sợ, ám ảnh của không ít người.

“Vườn hoa công viên chứ có phải là nơi để cho chó, mèo phóng uế bừa bãi đâu. Chỉ cần mỗi người dân ý thức một chút thì nơi đây không khí mới thật sự trong lành, công nhân vệ sinh môi trường cũng đỡ vất vả”, ông Trung bức xúc.

Chiều đến, xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm càng trở nên nhộp nhịp những bước chân của người dân, du khách quốc tế đi bộ, tập thể dục và khám phá vẻ đẹp của trái tim Thủ đô.

Bỗng nhiên, mấy vị khách ngoại quốc dừng lại, vẻ mặt đầy sự lo sợ vì sự xuất hiện của một chú chó to lớn, lông đen kịt, không rọ mõm chạy lăng xăng theo họ rồi lại chạy đi khi phát hiện  “bạn” chó cảnh ở bãi cỏ gần đó. Mấy vị khách được phen hú vía, nói gì đó với nhau rồi vội vàng rảo bước.

Ông Thanh thường xuyên đi tập thể dục ở hồ Hoàn Kiếm cho biết, tuy không nhiều nhưng chó vẫn xuất hiện ở khu vực này thường xuyên, khi thì có chủ đi cùng, khi thì không.

Những con chó to, nhỏ đều không được rọ mõm, chạy vào bãi cỏ, bãi hoa, gốc cây phóng uế, rất phản cảm và gây nguy hiểm cho người dân và du khách thập phương.

“Cứ độ chiều tối, chạy bộ hay tập thể dục trong vườn hoa 19-8, vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ thấy tình trạng chó phóng uế bừa bãi. Chính vì thế nên khi đi tập thể dục hay cho các cháu nhỏ chơi quanh khu vực này đều phải chú ý nếu không rất dễ giẫm phải chất thải động vật.

Nguy hiểm hơn, khi đang chạy mà thấy vài con chó to gần bằng… con bê trước mặt là phải đứng lại, đi từ từ đề phòng chúng đuổi theo cắn. Nhiều người vì sợ nên không dám đi tập thể dục nữa”, chị Thúy Mai ở gần khu vực vườn hoa 19-8 nói.

Tương tự, tại vườn hoa Vạn Xuân (hay còn gọi vườn hoa Hàng Đậu), dù mới được cải tạo lại với diện mạo mới nhưng vẫn còn tình trạng chủ dắt chó đi dạo, chó thả rông và cho phóng uế bừa bãi khiến người dân bức xúc.

"Khu vực vườn hoa Hàng Đậu chúng tôi hay ra tập thể dục vào sáng hoặc chiều, nhưng nhiều lúc rất sợ khi người nuôi chó đưa chúng đến đây, có người dắt đi, có trường hợp thả rông nhưng nhìn chung vẫn mất an toàn.

Nhiều khi vừa tập vừa phải để ý vì sợ chó lại gần. Đó là chưa kể nhiều khi bất đắc dĩ ngửi “mùi đặc biệt” của chúng”, bà Tuyến ở phố Quán Thánh bày tỏ.

Sáng sớm, tại vườn hoa Diên Hồng (hay còn gọi vườn hoa Con Cóc), vừa vuốt ve hai chú chó cảnh ngồi trên ghế đá, bà Tân, ở phố Hai Bà Trưng vừa thản nhiên nói: “Ngày nào tôi cũng cho hai “em” này ra vườn hoa chơi, đi vệ sinh rồi mới cho về nhà. Thành thói quen, không cho đi là không chịu, kêu nhiều sốt ruột lắm”.

1.jpg
Một con chó thả rông phóng uế tại bờ hồ Hoàn Kiếm.

Theo quan sát, mỗi buổi sáng, chiều tại các công viên, vườn hoa, thậm chí cả đường phố, không khó để bắt gặp đủ các loại chó được người dân dắt đi dạo. Điều đáng nói, những chú chó này hầu hết không đeo rọ mõm và thả rông, chạy khắp công viên, tiềm ẩn nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người dân tập thể dục.

Người dân cho biết, nhiều chủ nuôi ý thức kém nên thường cho chó ra công viên, vườn hoa đi vệ sinh, khi được góp ý giữ gìn vệ sinh chung họ tỏ thái độ khó chịu. Mùa hè đang đến gần, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát.

Tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng tăng tại nhiều tỉnh, thành. Một số địa phương ghi nhận số ca tử vong do dại tăng cao như: Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca.

Riêng năm 2024, tình hình bệnh dại tăng đột biến, riêng 2 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca).

Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt gây thương tích nặng...

Bộ Y tế nhận định, thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người có thể tiếp tục tăng do tỷ lệ tiêm vaccine dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; chó phải được xích, nhốt, mang rọ mõm khi ra đường; không đùa nghịch, trêu chó, mèo.

Theo các chuyên gia, hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi người bệnh được xác định mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong là 100%.

Nếu chẳng may bị chó, mèo cào, cắn, người dân nhanh chóng rửa vết thương bằng nước sạch trong khoảng 15 phút và sát trùng bằng dung dịch i ốt, cồn nhằm làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Sau đó lập tức đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vaccine phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.

Người dân tuyệt đối không áp dụng phương pháp phản khoa học như đắp lá thuốc, chích lể, bôi dầu gió... lên vết thương bị chó, mèo cắn. Việc làm này không những làm trễ thời gian tiêm vaccine mà còn gây nhiễm trùng vết thương.

Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng.

Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 1.000.000-2.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020 của Chính phủ), chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1.000.000- 2.000.000 đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích chó khi đưa ra nơi công cộng, không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND và trưởng công an cấp xã, phường.

Hòa Cù