Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ, công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn luôn được Thành ủy, HĐND, UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chủ động triển khai các hoạt động giảm nhẹ thiên tai… Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai của Hà Nội còn một số hạn chế, khó khăn. Một số địa phương, đơn vị còn tư tưởng chủ quan: Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, sạt lở đất. Có địa phương chưa ký hợp đồng cụ thể với các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng phục vụ nhân dân khi xảy ra tình huống, sự cố, thiên tai.
Nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng xâm hại công trình đê điều, thủy lợi nhưng chưa xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết, triệt để. Việc thực hiện Quy hoạch lưu vực sông Đáy vẫn chưa được triển khai khiến một số huyện như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai… còn gặp bất lợi khi xảy ra mưa lớn, lũ rừng ngang đổ về…
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, hiện nay lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai tại cấp huyện và cấp xã là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo, tập huấn, xử lý tình huống chủ yếu qua kinh nghiệm thực tế. Cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai còn thiếu đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã. Việc báo cáo tình hình và tiếp nhận xử lý thông tin khi thiên tai xảy ra giữa Ban Chỉ huy các cấp với Ban Chỉ huy cấp tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác dự báo chưa sát với diễn biến thiên tai, một số loại thiên tai như giông, sét ... xảy ra trong phạm vi nhỏ, thời gian ngắn nên khó dự đoán. Trang thiết bị, nhân lực tuy đã được đào tạo, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế, nhất là trang thiết bị phục vụ quan trắc và cảnh báo, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Công tác tổ chức tập huấn, diễn tập trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả chưa cao. Việc bố trí kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa kịp thời.
Mối quan hệ phối hợp với các cơ quan đơn vị cấp Trung ương chưa thường xuyên, kịp thời. Thực trạng các quy định pháp luật về nhân lực quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai còn chồng chéo bất cập. Quy định về về vị trí, chức trách, nhiệm vụ, số lượng, chất lượng nhóm lãnh đạo, quản lý, nhóm chuyên môn nghiệp vụ, nhóm hỗ trợ, phục vụ...chưa phù hợp. Nhân lực quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều, không được đào tạo bồi dưỡng nên rất khó đáp ứng kịp thời các yêu cầu ngày càng cao trong chỉ đạo điều hành, thời gian thực hiện nhiệm vụ. Chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, phụ cấp đặc thù đối với nguồn nhân lực quản lý nhà nước về phòng,chống thiên tai chưa có.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động của các cơ quan phòng, chống thiên tai còn thiếu, chưa được đầu tư nâng cấp, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hiện nay. Việc bố trí kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa kịp thời. Chưa có hướng dẫn chi tiết về cơ sở xác định hỗ trợ, trình tự thủ tục thực hiện, thanh quyết toán các khoản hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai.
Những giải pháp cần được triển khai
Để triển khai công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố Hà Nội đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Viện khoa học - tổ chức nhà nước hoàn thiện những quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.
Hướng dẫn xây dựng hoàn thiện mối quan hệ phối hợp, đề xuất cơ chế phối hợp, trao đổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai giữa cơ quan quản lý phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các cơ quan quản lý phòng, chống thiên tai các cấp từ trung ương đến cấp xã và với các sở, ngành liên quan.
Bố trí ngân sách thường xuyên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai các cấp và nâng cao năng lực tham mưu cho Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp. Hướng dẫn chi tiết về cơ sở xác định hỗ trợ, trình tự thủ tục thực hiện, thanh quyết toán các khoản hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai.
Hướng dẫn xây dựng và bảo đảm các vị trí việc làm trong các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ quản lý phòng, chống thiên tai từ trung ương đến địa phương. Hướng dẫn xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai theo hướng chuyên nghiệp bảo đảm hoạt động hiệu quả. Hoàn thiện các quy định pháp luật, bảo đảm nguồn nhân lực quản lý phòng chống thiên tai đáp ứng nhiệm vụ được giao...
Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là làm tốt công tác phòng ngừa. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương và các sở cần sà soát lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai, chủ động sửa chữa các hư hỏng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…