Cụ thể, theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay đơn vị đã thực hiện xong chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1/7/2021 – 30/6/2022 cho 1.633 doanh nghiệp, với 113.076 người lao động. Tổng số tiền hỗ trợ là 36,273 tỷ đồng. Qua đánh giá cho thấy, việc sớm triển khai đã giúp các doanh nghiệp có thêm phương án, điều kiện chủ động khắc phục khó khăn, hỗ trợ người lao động phòng chống dịch COVID-19, ổn định sản xuất.
Đối với các nhóm đối tượng còn lại, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các sở, ban ngành liên quan, các địa phương đang đốc thúc triển khai, với mục tiêu kịp thời hỗ trợ và đúng đối tượng.
Bà Lê Thị Thuỷ, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Du Lịch và Thương Mại Á Đông (ADC, trụ sở tại TP Huế) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đơn vị gặp nhiều khó khăn, các lĩnh vực kinh doanh phải tạm dừng hoạt động. Do đó, công ty buộc phải cho nhiều lao động nghỉ việc không lương, tạm dừng hợp đồng lao động. Căn cứ các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, ADC đã lập hồ sơ những trường hợp đủ điều kiện để nộp cho cơ quan chức năng TP Huế và huyện Phú Lộc xem xét, thẩm định. Theo bà Thuỷ, tính cả ADC và các công ty thành viên, đơn vị đã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ 26 người lao động theo các diện: Tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc và các đối tượng thuộc diện cách ly y tế (F1), trong đó có nhiều lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay TP Huế đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của ADC, Công ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế MANAH (công ty thành viên của ADC) và HTX vận tải ô tô TP Huế. Tổng số lao động đề nghị hỗ trợ là 19 người, với số tiền gần 52 triệu đồng. Hiện Sở tiến hành các bước để trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thẩm định, phê duyệt hỗ trợ.
Ngoài ra, cũng đã có 1 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, với 23 lao động.
Đối với chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19 (F0), cách ly y tế (F1), theo số liệu rà soát của Sở Y tế Thừa Thiên Huế, tính từ ngày 28/4 đến hết 4/8, toàn tỉnh có 65 F0, 1.119 F1, trong đó có khoảng 90 đối tượng là trẻ em. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục rà soát, thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.
Về chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, số lượng đang được tổng hợp, thẩm định là 411 người, tương ứng số tiền hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng.
Các sở, ngành, địa phương tại Thừa Thiên Huế cũng đang tích cực triển khai tổ chức thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Riêng đối với đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì, tích cực phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương trong việc xác định đối tượng, xây dựng tiêu chí, mức tiền hỗ trợ cụ thể. Đến nay, Sở đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án, báo cáo UBND tỉnh để tới đây trình HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ một số đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn theo quy định.
Ông Đặng Hữu Phúc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68, Quyết định số 23, đến nay địa phương cơ bản đã tiến hành các thủ tục hành chính, đồng thời bắt đầu tiếp nhận hồ sơ, xem xét, thẩm định để chi trả hỗ trợ. Riêng đối tượng lao động tự do, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan để triển khai thực hiện. Ông Phúc cho rằng, đây là nhóm đối tượng tương đối khó xác định, do đó cần phải tiến hành chặt chẽ để làm sao đúng đối tượng, không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, đồng thời "không để ai bị bỏ lại phía sau".
"Chúng tôi đang tập trung ưu tiên cho những đối tượng lao động làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Còn các trường hợp là người dân Huế từ các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội trở về, gặp khó khăn do COVID-19, Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh rà soát, tổng hợp số lượng để có mức hỗ trợ phù hợp", ông Phúc cho biết.
THẢO VI
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ