Trong các ngày 10 và 11/8, Đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra tình hình triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại địa bàn huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thuỷ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, huyện đã tổ chức họp bàn phương án với các cơ quan, ban ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, địa phương cũng đã ban hành kế hoạch, các văn bản về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Song song với đó, Quảng Điền cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền sâu rộng để người dân, doanh nghiệp nắm bắt thông tin, các chính sách hỗ trợ để tiến hành đăng ký, làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Cũng theo ông Tuấn Anh, để đảm bảo nguyên tắc chi trả đúng đối tượng, công khai, minh bạch, UBND huyện Quảng Điền đã kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc giải quyết chế độ chi trả hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 tại địa bàn huyện.
Tính đến ngày 10/8, qua rà soát của các ban, ngành, địa phương, Quảng Điền đã thống kê được khoảng 1.600 lao động và hộ kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đối tượng đến các cơ quan có thẩm quyền nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Đối với thị xã Hương Thuỷ, địa phương cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH và các đơn vị, địa phương phối hợp với Chi cục Thuế lập danh sách, rà soát các hộ kinh doanh có đăng ký và kê khai thuế để hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
UBND thị xã Hương Thuỷ đề xuất Sở LĐ-TB&XH kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế bổ sung thêm đối tượng lao động tự do "buôn bán nhỏ lẻ có địa điểm cố định" nhưng không phải là hộ kinh doanh; mặt khác sớm ban hành hướng dẫn biểu mẫu tổng hợp chung và danh sách chi hỗ trợ của tất cả các đối tượng.
Qua trao đổi, làm việc, ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các địa phương cần chủ động rà soát hồ sơ chặt chẽ ngay từ đầu, tránh sai sót trong triển khai thực hiện, nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân. Nguyên tắc hỗ trợ phải đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Ngoài ra, cần căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.
Trước thực trạng nhiều địa phương vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ người dân, ông Dần cho rằng, các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo UBND cấp xã có sự thay đổi trong phương thức làm việc. "Thay vì tuyên truyền rồi ngồi đợi đối tượng đến đăng ký, làm thủ tục thì địa phương cần chủ động rà soát, đi tìm người gặp khó khăn để hỗ trợ. Đối tượng nào dễ xác định thì ưu tiên làm trước và khi đã chắc chắn thì nhanh chóng lập thủ tục để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định hỗ trợ theo đúng quy định", ông Dần yêu cầu.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên cũng đề nghị các địa phương tổng hợp số lượng lao động trở về từ vùng dịch, nắm bắt nghề nghiệp, trình độ tay nghề, nhu cầu của người lao động để sau này có cơ sở để hỗ trợ tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn, theo báo cao nhanh của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 12/8, toàn tỉnh có 1.633 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 113.076 lao động với số tiền hơn 36 tỷ đồng được điều chỉnh giảm vào Quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022); tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 23 lao động với số tiền gần 22 triệu đồng; có 19 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được chi trả hỗ trợ, với số tiền 79,49 triệu đồng. Số lao động ngừng việc được hỗ trợ là 10 người; viên chức hoạt động nghệ thuật là 135 người (tương ứng hơn 500 triệu đồng); 270 người lao động là hướng dẫn viên du lịch (tương ứng số tiền tri chả hơn 1 tỷ đồng); 5 người sử dụng vay vốn (tương ứng 19,6 triệu đồng).
THẢO VI
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ