Chủ trì Hội thảo gồm có ông Phạm Minh Trí, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, ông Đỗ Tấn Minh, Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh; ông Phan Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chấn, Trưởng khoa CTXH, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh). Hơn 50 đại biểu tham gia Hội thảo là các nhà khoa học, chuyên viên ở các trường Đại học (ĐH): Lao động – Xã hội, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh), ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; Bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), BVĐK trung tâm Tiền Giang, BVĐK các huyện thuộc tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Trung tâm Bảo trợ xã hội các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; Hội NCT của 11 huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu nghe các báo cáo: Thực trạng chăm sóc NCT tại Trung tâm Công tác xã hội Tiền Giang (Trung tâm CTXH tỉnh Tiền Giang); Nhu cầu chăm sóc hỗ trợ NCT mắc chứng tăng huyết áp điều trị tại bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy (Bệnh viện Đa khoa huyện Cai Lậy – Tiền Giang) cùng các tham luận về: Vai trò công tác xã hội trong hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ và cận tử cho NCT (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn); Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho NCT tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (của Hội NCT huyện Cai Lậy), Mô hình dịch vụ chăm sóc NCT (của Trường ĐH Lao động – Xã hội Cơ sở II- TP. Hồ Chí Minh).
Thực trạng phổ biến hiện nay là NCT không nhận được nhiều sự quan tâm chăm sóc từ người thân, bởi con cháu thường bận rộn với công việc, với gia đình riêng và xu hướng tập trung ở các đô thị lớn. NCT đang phải chịu sự thay đổi của cấu trúc gia đình, khi tỉ lệ cha mẹ sống chung với con cái đã giảm rõ rệt…NCT ở Tiền Giang cũng chịu tác động của quy luật đó. Trước thực trạng đó, các đại biểu đã trao đổi trực tiếp và đóng góp ý kiến trên tinh thần khoa học, thẳng thắn về các mô hình: chăm sóc Y tế, phục hồi chức năng, chăm sóc đời sống tinh thần, chăm sóc dinh dưỡng cho NCT; kết nối các dịch vụ chăm sóc khi NCT có nhu cầu; xây dựng dịch vụ chăm sóc NCT thu phí đã và đang mang lại hiệu quả.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Huỳnh Văn Chấn, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khẳng định: việc xây dựng Mô hình chăm sóc NCT hôm nay mang tính tổng thể đã được nghiên cứu từ các mô hình trong nước và trên thế giới, mang tính nhân văn sâu sắc; khi áp dụng cần phải phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị…
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Minh Trí đã đánh giá cao những tham luận, ý kiến đóng góp tâm huyết của đại biểu đã góp phần giải quyết được các vấn đề cấp thiết liên quan đến an sinh xã hội cho người cao tuổi (NCT) ở Trung tâm CTXH tỉnh. Trong quá trình xây dựng mô hình, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng mong được sự đồng hành của các tổ chức và cá nhân để mô hình hoàn thiện và phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội và gia đình.
Được biết, theo báo cáo của Quỹ Dân số liên hiệp quốc (UNFPA) tốc độ già hóa dân số Việt Nam tương đối nhanh theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta bước vào giai đoạn "già hóa dân số" vào năm 2017. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng nhanh người cao tuổi, đến 1/4/2011, tỉ lê người từ 60 tuổi trở lên đã là 10,1% và bước vào giai đoạn "già hóa dân số" ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo. Tại Tiền Giang, tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên năm 2019 hơn 10% dân số toàn tỉnh. Tiền Giang hiện có 1 cơ sở trợ giúp xã hội công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH và 3 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập thực hiện các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi.