Hôm nay 27/5, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và Nhân dân cả nước.
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, Báo cáo kết quả giám sát là bức tranh phản ánh khá toàn diện và đầy đủ về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em của cả nước từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2019.
Đáng chú ý, về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và công tác tuyên truyền, đại biểu đánh giá cao, tuy nhiên theo đại biểu, cần phải tuyên truyền để người dân biết đến mạnh mẽ hơn nữa.
Theo đại biểu đoàn bà Rịa – Vũng Tàu, 111 là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, tổng đài đặt tại 3 địa điểm: Hà Nội, Đà Nẵng và An Giang, có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin toàn quốc, tư vấn và phối hợp xử lý các trường hợp về xâm hại trẻ em.
Theo báo cáo, trong thời kỳ giám sát thì tổng đài đã tiếp nhận hơn 2.000 ca trẻ em bị xâm hại, chính xác là 2.033 ca.
"Ngày hôm qua, chính tôi có điện thoại đến tổng đài điện thoại này, chỉ sau vài hồi chuông, một giọng nữ rất thiện cảm nhận điện thoại, phương pháp nói chuyện rất chuyên nghiệp, điều đó cho thấy rằng tổng đài này duy trì hoạt động khá tốt", đại biểu đánh giá cao.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, qua khảo sát, tìm hiểu thì rất nhiều người lớn, nhiều trẻ em không biết số tổng đài này, ngay tại các nơi công cộng, trường học, chung cư cũng ít thấy.
"Nói chính xác hơn là không thấy nơi nào, vị trí nào có dán tổng đài này. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền xin đề nghị quan tâm chú ý tuyên truyền sâu rộng hơn về số tổng đài miễn phí này. Như thực hiện dán, buộc số tổng đài 111 ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xâm hại trẻ em", đại biểu Tuấn khuyến nghị.
Theo báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Chính phủ, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đã can thiệp, hỗ trợ 2.033 ca xâm hại trẻ em, trong đó bạo lực trẻ em 1.011 ca (chiếm 49,7%); xâm hại tình dục 764 ca (chiếm 37,6%); bóc lột trẻ em 113 ca; bỏ rơi, bỏ mặc, sao nhãng trẻ em 45 ca; mua bán trẻ em 100 ca.
Đặc biệt 100% trẻ em bị xâm hại tình dục khi có thông báo của Tổng đài được các địa phương lập hồ sơ, quản lý, theo dõi và thực hiện hỗ trợ, can thiệp; trẻ em bị xâm hại tình dục nhận được sự hỗ trợ về tâm lý, y tế, pháp lý, giáo dục, đào tạo và trợ giúp xã hội.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2019 có 8.337 em được địa phương hỗ trợ, can thiệp (chiếm tỷ lệ 95,72% tổng số trẻ em bị xâm hại được các địa phương phát hiện, xử lý).
Báo cáo cũng cho biết, đối với các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng hoặc giải quyết chậm trễ, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều chủ động có văn bản hoặc trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan chức năng xác minh, có biện pháp hỗ trợ, can thiệp, kịp thời bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân, điều tra, xử lý hành vi xâm hại trẻ em.