Nở rộ phong trào "ATM gạo" lan tỏa yêu thương
Máy "ATM gạo" đầu tiên xuất hiện tại địa chỉ 204 B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP.HCM và hoạt động 24/24 giúp người lao động nghèo tạm thời vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19.
Anh Hoàng Tuấn Anh, người chế tạo ra chiếc máy phát gạo cho biết: "Tôi thấy trong mùa dịch, có nhiều người muốn tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo, nhưng nếu phát thủ công và tập trung đông người thì rất dễ xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Để hạn chế dịch lây lan trong việc phát gạo, tôi đã nghĩ ra chiếc máy thông minh rồi đem chế tạo ra để phát gạo tự động cho người dân".
Video: 'Máy ATM gạo' đầu tiên hỗ trợ kịp thời những người dân khó khăn trong mùa dịch Covid - 19.
Nhận thấy đây là mô hình hay, ý nghĩa và đầy tính nhân văn nên thời gian vừa qua phong trào máy "ATM gạo" đang được nhân rộng tại TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước. Những ngày này nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã chủ động phối hợp với UBND quận/huyện để đặt máy "ATM gạo" giúp người dân vượt qua đại dịch.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết đã có 3 máy "ATM gạo" vừa được lắp đặt trên địa bàn huyện. Những máy này được bố trí tại xã Hiệp Phước, Phước Lộc và Nhơn Đức. Trong đó, Công ty PHGLock tặng 1 máy, Công ty Bất động sản và Giáo dục Phúc Long tặng 2 máy và gạo cho UBND huyện Nhà Bè.
Tại quận Thủ Đức, ông Võ Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty đầu tư Bình Minh, cũng đã đưa vào hoạt động máy "ATM gạo" do công ty ông sản xuất vào sáng nay tại số 25 Hoàng Diệu 2.
Tương tự, Công ty Phát triển nhà Thủ Đức đồng hành cùng Công ty PHGlock cũng đã lắp đặt 2 máy "ATM gạo" miễn phí cho người nghèo tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức (số 281 Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu). Hiện Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cũng đang liên hệ với UBND quận 2 để lắp thêm máy "ATM gạo" phục vụ bà con nghèo trên địa bàn quận 2.
Sáng ngày 21/4, tại địa chỉ 406 Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, quận 12) Công ty Hiệp Thủy phối hợp với UBND phường Thạnh Lộc khai trưởng cây "ATM gạo" nhằm hộ trợ tất cả người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người khó khăn do bị ảnh hưởng của Covid-19.
Tùy theo khả năng của mỗi doanh nghiệp, nhà hảo tâm mỗi cây "ATM gạo" ở mỗi địa điểm chảy ra số gạo khác nhau. Cây "ATM gạo" ít nhất mỗi người đến nhận sẽ chảy ra 1,5kg. Cây "ATM gạo" nhiều nhất là chảy ra hơn 4kg. Đa số những cây "ATM gạo" trên đều hoạt động liên tục 24/24h và duy trì đến hết ngày 30/4/2020.
Doanh nghiệp mong muốn được mở nhiều cây "ATM gạo" trên các quận, huyện ở TP.HCM
Được biết hiện nay nhiều doanh nghiệp, hội doanh nhân trên địa bàn TP.HCM vẫn đang lên kế hoạch để tiếp tục lắp thêm nhiều máy "ATM gạo" trên khắp các quận, huyện để tất cả người dân không ai bị thiếu đói trong và sau dịch Covid-19.
"Ai khó khăn hãy lấy một phần, ai ổn rồi hãy nhường người khác"
Hiện nay rất nhiều máy "ATM gạo" trên địa bàn TP.HCM đã, đang hoạt động để kịp thời giúp đỡ tất cả người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Ôm trên tay bao gạo vừa nhận từ máy "ATM gạo" không kiềm chế được sự vui mừng, cô Trần Thị Bích Liên (phường Thạnh Lộc, quận 12 - buôn bán ở chợ đầu mối) cho biết, trước khi có doanh nghiệp lắp máy này, phường đã thông báo cho tất cả người dân được biết. Những người nào cảm thấy khó khăn thiếu thốn thì cứ đến nhận gạo chứ không phân biệt ai thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
"Gia đình cô không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc buôn bán ở chợ khó khăn. Nghe thông tin có máy phát gạo, cô đã rủ thêm mấy người trong xóm, những người bán vé số… thuê trọ ở gần nhà cùng ra đây lấy gạo về ăn qua ngày", cô Liên chia sẻ thêm.
Cùng cảm xúc vui mừng, phấn khởi giống cô Liên, chú Lâm Văn Lê (phường Linh Trung, quận Thủ Đức - thường ngày bán vé số) bộc bạch: "Tôi thấy máy gạo này rất hay và ý nghĩa, hàng ngày tôi đều đến đây nhận gạo, số gạo vừa đủ để cả gia đình tôi (5 người) ăn trong ngày. Gia đình tôi không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo nhưng đang khó khăn nên tôi đến nhận gạo. Cán bộ phường hay những người tặng gạo họ không có phân biệt là hộ nghèo, cận nghèo mới được nhận. Tôi thấy ai đến đây cũng đều nhận được gạo và vui vẻ ra về".
Theo quan sát của phóng viên, những người đến nhận gạo đa số là người già, người khuyết tật, người đang gặp khó khăn; người bị mất việc do dịch bệnh: lao động tự do, bán vé số, chạy xe ôm, giúp việc...Tuy nhiên, theo các nhà hảo tâm thì bất cứ ai nếu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nếu bạn cần thì đều có thể đến nhận gạo.
Chị Thủy - Giám đốc Công ty THNH TM - XD Hiệp Thủy cho hay, việc lắp máy "ATM gạo" nhằm giúp đỡ kịp thời những người dân bị ảnh hưởng do Covid-19. Những người dân dù làm nghề gì, ở đâu cũng đều được đến nhận gạo, không phân biệt người nghèo hay không nghèo mà những ai cảm thấy thiếu và số gạo này giúp được họ thì đều có thể lấy.
Đồng quan điểm với chị Thủy, nhiều doanh nghiệp, chủ máy "ATM gạo" trên địa bàn TP.HCM đều không phân biệt những người đến nhận, miễn là những người đến nhận cảm thấy vui vẻ và có ý nghĩa. Trước mỗi máy "ATM gạo" đều treo dòng chữ "Ai khó khăn hãy lấy một phần, ai ổn rồi hãy nhường người khác".
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thanh Tú - Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc, quận 12 cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND quận và chủ trương của Thành phố về công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ khó khăn, người thất nghiệp trên địa bàn, phường đã phối hợp với UBMTTQ phường, kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ các đối tượng vượt qua mùa Covid-19. Đến hiện tại phường đã nhận được hơn 10 tấn gạo và trên 30 triệu tiền mặt. Hiện nay phường đã chỉ đạo các tổ dân phố rà soát kỹ, không để sót những trường hợp được hỗ trợ để đến trao quà tận tay".
Cũng theo ông Tú, đây là chương trình hết sức ý nghĩa, góp phần hỗ trợ những người lao động đang gặp khó khăn có bữa cơm gia đình trọn vẹn hơn trong đại dịch Covid-19.
Thông tin từ ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính đến cuối năm 2019, đầu năm 2020 toàn thành phố còn 9.668 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,39%; tổng hộ dân thành phố và 22.859 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,93% tổng hộ dân thành phố. còn 351 hộ nghèo diện chính sách bảo trợ xã hội, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công, có 48 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Thành phố có 3 quận (quận 5, Bình Thạnh, và Bình Tân), 86 phường của 13 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo và 16 phường của 7 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019 - 2020.
Video: Mỗi ngày có hàng nghìn người dân đến "ATM gạo" ở Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức để nhận gạo miễn phí.
Với tính cách nghĩa tình, phóng khoáng nổi bật của người Nam Bộ, nên nhiều nhà hảo tâm không yêu cầu khắt khe đối tượng đến nhận gạo thuộc diện nào, vì thấy cần là có thể nhận gạo, đa số những ai cần đều đến nhận được, và không ai yêu cầu họ phải cung cấp thông tin, địa chỉ hoàn cảnh gia đình.
Một điểm đặc thù nữa là TP.HCM không giống một số tỉnh thành khác. TP.HCM là trung tâm kinh tế, giáo dục - nghề nghiệp…là nơi tập trung nhiều người lao động ở các tỉnh đến sinh sống và làm việc, nhiều sinh viên đến để học tập…do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều lao động nghỉ việc, sinh viên nghỉ học…cũng đến các cây "ATM gạo" để nhận gạo là việc hoàn toàn bình thường.
Vì vậy việc nhiều người dân đến "ATM gạo" ở TP.HCM để nhận gạo chưa hẳn họ là những người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.