Hàng trăm phần quà đầy ý nghĩa trao tận tay người nghèo
Những ngày này trên địa bàn TP.HCM nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với quận đoàn, hội phụ nữ, UBMTTQ Việt Nam, UBND các quận/huyện, phường để mua nhiều phần quà đầy ý nghĩa trao tận tay những người nghèo, người khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Cụ thể, Công ty TNHH vật liệu chịu lửa Lê Vỹ (khu phố 5, phường An Phú Đông, quận 12) đã phối hợp với UBND phường An Phú Đông để lấy danh sách những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người bán vé số nghỉ việc…rồi mua hàng trăm phần quà thiết thực trao tận tay người dân nhằm giúp họ vượt qua đại dịch Covid-19.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều ngày 20/4, hàng trăm người dân đến trước Công ty Lê Vỹ xếp hàng để nhận món quà ấm áp và đầy ý nghĩa. Những người đến nhận quà đều được đo thân nhiệt và rửa tay diệt khuẩn ngay trước cửa công ty, sau đó xếp hàng theo thứ tự ở những ô tròn cách nhau 2m do công ty vẽ sẵn.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thu Trang - Đại diện công ty Lê Vỹ cho biết, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều người dân khó khăn. Ban lãnh đạo công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ kịp thời những người đang khó khăn thiếu thốn. Qua danh sách từ phường An Phú Đông cung cấp thì có 320 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, phía công ty đã tự bỏ tiền mua 320 suất quà để tổ chức trao đến tận tay người dân.
"Ngoài những người dân nằm trong danh sách diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì chúng tôi còn chuẩn bị dự phòng nhiều phần quà tương tự để tặng cho những người ngoài danh sách nhưng khó khăn và thực sự cần món quà. Quan điểm của chúng tôi là tặng đúng người, đúng đối tượng khó khăn, những người thật sự cần món quà. Chúng tôi giới hạn chỉ những người nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo mới được nhận mà những người thấy thiếu thốn và khó khăn đến chúng tôi vẫn sẻ hỗ trợ hết mức có thể", chị Trang nêu quan điểm.
Được biết, mỗi phần quà gồm có 5 kg gạo, 1 chai dầu, 1 chai nước mắn, 1 chai nước tương, bột ngọt, đường, muối…trị giá mỗi phần quà hơn 200.000 đồng.
Trao đổi với phóng viên, vị Đại diện UBND phường An Phú Đông cho biết: "Ngoài những công ty, nhà hảo tâm tổ chức với quy mô hỗ trợ lớn thì người dân sẽ đến công ty nhận trực tiếp, còn với những doanh nghiệp và nhà hảo tâm hỗ trợ với số lượng ít thì phường sẽ nhận về sau đó chia đều theo danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và mời mọi người đến UBND phường đến nhận. Với những người già, sức khỏe yếu...không thể đến được thì phường sẻ cho người mang quà đến tận nhà để trao".
"ATM gạo" lan tỏa yêu thương
Thời gian vừa qua phong trào máy "ATM gạo" đang được nhân rộng tại TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước. Những ngày này nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã chủ động phối hợp với UBND quận/huyện để đặt máy "ATM gạo" giúp người dân vượt qua đại dịch.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, TP.HCM, cho biết đã có 3 máy "ATM gạo" được lắp đặt trên địa bàn huyện. Những máy này được bố trí tại xã Hiệp Phước, Phước Lộc và Nhơn Đức. Trong đó, Công ty PHGLock tặng 1 máy, Công ty Bất động sản và Giáo dục Phúc Long tặng 2 máy và gạo cho UBND huyện Nhà Bè.
Ngoài ra, ông Võ Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Bình Minh, cũng đã đưa vào hoạt động máy "ATM gạo" do công ty ông sản xuất vào sáng nay tại số 25 Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức.
Mỗi lần phát khoảng từ 1.5kg gạo Thơm Thái/lần trong 5 giây cho 1 người. Trường hợp, nếu có Mạnh Thường Quân hỗ trợ thêm thì "ATM gạo" ở đây sẽ phát theo loại gạo để bà con cô bác có gạo ngon mà dùng.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên anh Bình mong rằng, bà con cô bác đến nhận gạo vui lòng chấp hành đúng quy định về các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Phải đeo khẩu trang (không có khẩu trang thì nhận 2 cái miễn phí, loại có thể giặt lại để dùng nhiều lần), đứng cách nhau 2m theo ô đã đánh dấu, đi qua Buồng Khử Khuẩn toàn thân rồi bấm nút ATM (dưới chân) để nhận gạo.
"Ai đã nhận xong thì nhường lượt cho người khác. Không chen lấn xô đẩy thiếu văn hóa mất trật tự. Không nên có những hành động gây phản cảm như tranh giành, vơ vét...", anh Bình mong muốn.
Video: Hàng nghìn người dân đến "ATM gạo" ở Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức để nhận gạo miễn phí.
Tương tự, Công ty Phát triển nhà Thủ Đức đồng hành cùng Công ty PHGlock cũng đã lắp đặt 2 máy "ATM gạo" miễn phí cho người nghèo tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức (số 281 Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu). Hiện Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cũng đang liên hệ với UBND quận 2 để lắp thêm máy "ATM gạo" phục vụ bà con nghèo trên địa bàn quận 2.
"ATM gạo" đặt tại Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức. Giờ hoạt động được chia thành hai ca. Ca sáng từ 8h đến 11h. Ca chiều từ 14h đến 19h.
Những người dân đến đây nhận gạo đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và xếp hàng đứng cách nhau 2m.
"Những người đến nhận gạo không bị giới hạn ở quận nào. Không phải chỉ những hộ nghèo, hộ cận nghèo mà những người khó khăn do dịch Covid-19 đều có thể đến nhận gạo. Với những trường hợp già yếu trên địa bàn quận không đến nhận được gạo thì chúng tôi sẽ phân công người mang quà đến tận nhà cho người dân", anh Nguyễn Tăng Cường- Phó Bí thư Quận Đoàn quận Thủ Đức cho biết.
Được biết, biết dự kiến "ATM gạo" trên sẽ hoạt động đến ngày 30/4. Tùy theo số lượng gạo mà mọi người đóng góp, quận sẽ duy trì hoạt động này đến khi lượng gạo không còn nữa.
Thông tin từ UBND TP.HCM, tính đến cuối năm 2019, đầu năm 2020 toàn thành phố còn 9.668 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,39%; tổng hộ dân thanh phố và 22.859 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,93% tổng hộ dân thành phố. còn 351 hộ nghèo diện chính sách bảo trợ xã hội, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công, có 48 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Thành phố có 3 quận (quận 5, Bình Thạnh, và Bình Tân), 86 phường của 13 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo và 16 phường của 7 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019 - 2020.