Hệ thống đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 được Cục ATLĐ phối hợp xây dựng với mục đích giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... dễ dàng tự đánh giá và quản lý việc tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 theo các phiếu tự đánh giá chung: Phiếu tự đánh giá việc thực hiện của người sử dụng lao động, cán bộ y tế, cán bộ an toàn - vệ sinh lao động và người lao động (NLĐ) theo các tiêu chí đánh giá quy định tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho NLĐ".
Hệ thống cũng giúp các cơ quan chức năng có thể tiếp nhận ngay được kết quả thực hiện của doanh nghiệp; cập nhập, thông báo cho doanh nghiệp kết quả kiểm tra đánh giá việc thực hiện của doanh nghiệp...
Sử dụng phần mềm này giúp doanh nghiệp tự đánh giá chung và xếp loại nhóm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp. Người sử dụng lao động tự đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của mình để phòng, chống Covid-19 tại nơi làm việc. Người làm công tác y tế cần tự đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của mình để phòng, chống Covid-19 tại nơi làm việc. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tự đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của mình tại nơi làm việc. NLĐ tự đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của mình để phòng, chống Covid-19 tại nơi làm việc. Người có trách nhiệm trong doanh nghiệp tự đánh giá trách nhiệm xử trí khi có trường hợp mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng và khó thở tại nơi làm việc, ký túc xá.
Ông Nguyễn Anh Thơ cho biết, việc triển khai phần mềm bắt đầu triển khai thí điểm từ ngày 25/5 và trên cả nước từ ngày 7/6/2021. Tính đến ngày 9/6/2021, trên 50 Sở LĐ-TB&XH đã đăng ký tham gia triển khai dự án này, đặc biệt trong đó có các Sở LĐ-TB&XH có nhiều khu công nghiệp. Thời gian tới, các Sở còn lại sẽ đăng ký tham gia. Sau đó, phần mềm sẽ được hoàn thiện công cụ và bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến quản lý lao động phù hợp với tình hình mới, đặc biệt từ các địa phương đang có dịch Covid-19 lây nhiễm trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp và ký túc xá. Cũng theo ông Nguyễn Anh Thơ, đến nay, đã có gần 2.000 doanh nghiệp với gần 1 triệu lao động đang được đánh giá nguy cơ lây nhiễm qua công cụ trên. Hệ thống đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua bộ chỉ số (15 chỉ số với 300 điểm) như: Số lượng lao động làm việc tập trung, mật độ người ở các phân xưởng, không khí nhà xưởng, tổ chức thời gian làm việc, điều kiện vệ sinh cá nhân cho người lao động… nhằm kịp thời khắc phục và xử lý các tình huống phát sinh.
Hệ thống phần mềm sẽ hỗ trợ kiểm soát hiện trạng phòng, chống Covid-19, góp phần rút ngắn 95% thời gian triển khai và tổng hợp báo cáo từ doanh nghiệp. Qua đó, nhanh chóng xác định và khoanh vùng các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao. Toàn bộ dữ liệu cập nhập trên phần mềm sẽ được bảo mật.
Đánh giá về hiệu quả phần mềm trên, Sở TT&TT tỉnh Thái Bình cho rằng, hệ thống đã đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; giúp việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn; khắc phục được các hạn chế như mất nhiều thời gian do làm thủ công... do vậy, việc ứng dụng giải pháp trên là cần thiết.