Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

VNeID sẽ có ít nhất 10 dịch vụ tiện ích

Thành Công
Thành Công

Trong tương lai gần, VNeID sẽ có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số,… và sắp tới đây sẽ được cung cấp thêm nhiều dịch vụ tiện ích.

Nội dung này được đề cập tại Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS về Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Cụ thể, Bộ Công an được giao nhiệm vụ thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả, rộng rãi ứng dụng VNeID.

Từ việc thực hiện nhiệm vụ này (đến tháng 11/2024) sẽ mở rộng cung cấp ít nhất 10 dịch vụ tiện ích trên ứng dụng VNeID.

tiện ích VNeID.jpg
Nhiều tiện ích khi người dân ứng dụng VNeID. (Ảnh minh họa: B. Giang).

Mục tiêu phát triển ứng dụng VNeID thời gian tới

Tại Đề án 06 (gọi tắt của Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành) có đặt ra mục tiêu phát triển ứng dụng VNeID với nhóm tiện ích phục vụ công dân số như sau:

Năm 2022:

Bảo đảm cho hoạt động tạo lập định danh điện tử đối với công dân đã được thu thập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện giải quyết 100% yêu cầu từ công dân về tạo lập danh tính điện tử cho công dân. 

Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, chứng minh nhân thân, dịch vụ công.

Bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe... từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật.

Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Giai đoạn 2023-2025:

Phấn đấu đạt trên 40 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNEID và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.

Đảm bảo 100% các giao dịch của Công dân số được định danh, ký số, xác thực, các hợp đồng điện tử được định danh, ký số.

Giai đoạn 2025 - 2030:

Phấn đấu đạt trên 60 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNEID và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.

Quy định về kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID

Theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP, chủ thể danh tính điện tử thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả cấp tài khoản định danh điện tử.

Sau 7 ngày, nếu tài khoản định danh điện tử không được kích hoạt, chủ thể danh tính điện tử liên hệ với cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử thông qua tổng đài tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu về định danh và xác thực điện tử để thực hiện việc kích hoạt tài khoản.

Từ 1/7: VNeID là tài khoản duy nhất khi thực hiện TTHC trên môi trường điện tử

Theo đó, về cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thì Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nội dung:

- Bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 01/7/2024 theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; 

Đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu; nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT đồng bộ từ trung ương đến địa phương…

- Tập trung triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 theo Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. 

- Tập trung triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)…

- Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác giải quyết TTHC.

- Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra cải cách TTHC nhằm nâng cao đạo đức công vụ, kịp thời xử lý các trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. 

Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương.

Bên cạnh đó, cũng triển khai thí điểm Mô hình mẫu Bộ phận Một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp Bộ phận Một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024 trước khi tổng kết, nhân rộng vào năm 2025.

 

 

Tin liên quan