Nhiều thách thức mới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH Lê Khánh Lương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs. 10 năm qua, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, các khung pháp luật chính sách về bình đẳng giới đã được hoàn thiện một cách cơ bản; vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên. Nhiều sáng kiến, mô hình về thực hiện bình đẳng giới được triển khai thực hiện và nhân rộng mang lại nhiều kết quả tốt ở các địa phương. Nhiều thay đổi tích cực ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những tồn tại, thách thức đối với bình đẳng giới ở Việt Nam. Trong mỗi nhóm phụ nữ và nam giới vẫn có những nhóm đang phải chịu những thiệt thòi mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử, tạo áp lực cho cả hai giới. Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện cũng đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, vừa tạo cơ hội nhưng đồng thời cũng cho thấy những thách thức mới cần được giải quyết như tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, sự cách biệt giàu nghèo, tình trạng di cư lao động, bạo lực, buôn bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái.
"Việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm tiếp tục duy trì vững chắc những thành tựu về bình đẳng giới đã đạt được trong thời gian qua cũng như để ứng phó tốt hơn với những thách thức trong giai đoạn tới" - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới nhấn mạnh .
Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho rằng, bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững và cũng không thể thiếu đối với tất cả các khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội. Bà Elisa Fernandez đề nghị đại diện các địa phương đưa ra các vấn đề thực tế về bình đẳng giới, về trẻ em gái, trẻ em trai tại địa phương mình để từ đó xây dựng một hành trình tốt nhất đạt được bình đẳng giới, cũng như các mục tiêu phát triển bền vững tới 2030 tại Việt Nam.
Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá những thành tựu đạt được và những tồn tại, hạn chế của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đồng thời đóng góp ý kiến xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Với quan điểm: Bình đẳng giới vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Công tác bình đẳng giới là một nội dung xuyên suốt trong các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân không để ai bị bỏ lại phía sau. Xóa bỏ các định kiến giới là điều kiện tiên quyết để đạt được bình đẳng giới thực chất. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp – xã hội, các tổ chức xã hội, sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, của từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội đối với công tác bình đẳng giới. Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.
Chiến lược Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục giảm khoảng cách giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Với các giải pháp đột phá: Tập trung thay đổi các định kiến giới để đạt được bình đẳng giới thực chất; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu công tác bình đẳng giới của các cấp các ngành; Bảo đảm nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước cho công tác bình đẳng giới; Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội trong thúc đẩy bình đẳng giới; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bình đẳng giới để phục vụ công tác quản lý nhà nước một cách hiệu quả và nâng cao trách nhiệm giải trình về bình đẳng giới của các cơ quan tổ chức.
9 mục tiêu cụ thể của Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030
Mục tiêu 1. Thay đổi về căn bản các định kiến giới
Mục tiêu 2: Tăng cường bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý
Mục tiêu 3: Tăng cường bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm có chất lượng và khởi sự doanh nghiệp
Mục tiêu 4: Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, và phát triển nguồn nhân lực.
Mục tiêu 5. Tăng cường bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe
Mục tiêu 6: Tăng cường bình đẳng giới trong gia đình
Mục tiêu 7: Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới
Mục tiêu 8. Tăng cường bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thảm hoạ môi trường
Mục tiêu 9. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới