Những nhiệm vụ chính để xây dựng Huế trở thành Kinh đô áo dài là nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về áo dài Huế; tổ chức Ngày hội áo dài Huế định kỳ hằng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô áo dài”.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác quảng bá, truyền thông; tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo áo dài Huế phát triển; hình thành Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài.
Bên cạnh đó, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại; xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế; phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc áo dài trong các không gian lễ hội, lễ nghi truyền thống, hình thành trang phục truyền thống các ngành nghề...
Nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc áo dài truyền thống, những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của áo dài truyền thống cũng như đề ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, bảo đảm sức sống của di sản...
Việc tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi được coi là "cái nôi của áo dài truyền thống", có chương trình hành động lớn để bảo tồn, phát huy giá trị áo dài với những lộ trình cụ thể, sẽ hứa hẹn mang lại hiệu quả trong công tác này.