Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đạt những kết quả khả quan
Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức.
Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em; Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers… cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đây là sự kiện quan trọng thiết thực kỷ niệm 30 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em (1989-2019) và chuẩn bị cho Hội nghị phát triển trẻ em khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới tại Hà Nội.
Theo bà Tòng Thị Phóng, nhiều năm qua, nước ta đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đối với trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.
Đặc biệt, Luật Trẻ em đã quy định rõ về quyền, bổn phận của trẻ em, nguyên tắc, biện pháp thực hiện quyền trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em...
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nước ta hiện nay đạt những kết quả khả quan.
Minh chứng cho nhận định này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nước ta hiện có 95% trẻ em nhập học đúng độ tuổi, đạt mốc phổ cập tiểu học; gần 99% trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ; gần 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp kịp thời.
Đại đa số trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, được tham gia các diễn đàn về trẻ em để nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, trong thời gian tới cần ưu tiên lĩnh vực bảo vệ và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em. Tập trung vào: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng quy trình tư pháp thân thiện; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Các địa phương phải chủ động, kịp thời giải quyết các vấn đề về trẻ em phức tạp, mới phát sinh. 100% xã, phường, thị trấn hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em. Mục tiêu đặt ra là 80 - 90% cán bộ quản lý, công chức, viên chức làm công tác trẻ em của ngành LĐ-TB&XH, Công an, GD&ĐT được tập huấn chuyên môn.
Cùng với đó, sử dụng nhiều kênh truyền thông, giáo dục về trách nhiệm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình, cá nhân quy định trong Luật Trẻ em. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ đối với việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bộ LĐ-TB&XH và Bộ VH-TT&DL sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương lập quy hoạch, xây dựng, nâng cấp các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thiết chế vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện các bộ chỉ số đánh giá, giám sát thực hiện quyền trẻ em; thúc đẩy các mô hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em, nhất là trong quá trình xây dựng, triển khai các chính sách về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.
Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau
“Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt hơn công tác trẻ em trong thời gian tới, mang lại phúc lớn cho dân tộc, phồn vinh cho đất nước”, Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tất cả trẻ em đều phải được bảo đảm các dịch vụ xã hội chất lượng, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Các chính sách, luật pháp, cải cách hành chính cần tính đến câu hỏi "liệu quyết định đó có phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em".
"Nhiều bằng chứng cho thấy thành công trong phát triển kinh tế của các quốc gia trong tương lai phụ thuộc không nhỏ và cam kết và đầu tư cho trẻ em. Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ thúc đẩy và giám sát thực thi để đảm bảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có bao gồm các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các mục tiêu phát triển trẻ thơ toàn diện và phát triển vị thành niên để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam", bà Rana Flowers chia sẻ.
Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia trong nước, quốc tế đã tập trung trao đổi, bàn bạc, thảo luận về chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi từ 0-8 tuổi; hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên; lồng ghép các chỉ tiêu về việc thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước…
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về trẻ em khẳng định, so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam đã nỗ lực, ưu tiên giành được những kết quả tốt hơn, nhiều mặt nổi bật về chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em nói riêng, bảo đảm an sinh xã hội nói chung.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam xác định rất rõ các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em. Việt Nam là một trong số 69 quốc gia có đề án về chăm sóc trẻ em từ 0-8 tuổi.
Trong lĩnh vực giáo dục, y tế cho trẻ em, Phó Thủ tướng đặc biệt chú ý đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn… Cùng với đó, những tác động của những vấn đề mới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và những hiểm họa trên môi trường mạng, công tác tư pháp đối với trẻ em cần phải được quan tâm giải quyết.
"Mặc dù cơ chế phối hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã tương đối đầy đủ, nhưng cần có lực lượng nòng cốt đó là những người làm nghề công tác xã hội", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, gia đình, nhà trường và cộng đồng hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, sẽ tổng hợp, tiếp thu những ý kiến kiến nghị, đề xuất của các đại biểu để trình lên cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hai năm Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Công tác xây dựng pháp luật, chính sách phù hợp với các quyền trẻ em đã được Chính phủ, các bộ, các ngành triển khai thực hiện trên các lĩnh vực bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin và tư pháp.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em để tương thích với quy định của Luật trẻ em là khâu quan trọng để hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và hành chính thuận lợi thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong tình hình mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề, vụ việc về trẻ em như bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích ở trẻ em.
Để các quyền trẻ em được bảo đảm thực hiện, đáp ứng, các vấn đề trẻ em được giải quyết một cách tích cực và bền vững, trong năm 2020 và trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tập trung nhóm giải pháp cơ bản, trong đó: Khẩn trương đưa các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Đặt các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào trọng tâm của việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững đến năm 2030...