Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hàng rào bảo vệ trẻ em tốt nhất là cha mẹ và gia đình

(Dân sinh) - Đây là khẳng định của các đại biểu tham dự Tọa đàm với chủ đề "Con an toàn, cha mẹ ở ngay đây” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức chiều 25/3, tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, năm 2019 trong bối cảnh tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em tác động lớn tới dư luận, Quốc hội đã thành lập một đoàn giám sát tối cao kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại 17 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: "Trách nhiệm phòng, tránh xâm hại tình dục cho trẻ em không chỉ ở cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt là chính các gia đình, nơi đang nuôi dưỡng, quản lý trẻ em".

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Các đại biểu cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, mọi trẻ em đều có thể bị xâm hại dù là trẻ em trai hay gái. Đặc biệt, khi trẻ em không may bị xâm hại rất cần sự tin tưởng và lắng nghe của những người thân cận nhất. Trẻ em sẽ không bao giờ nói dối hay dựng lên một câu chuyện mình bị quấy rối, xâm hại. Bởi vậy hãy lắng nghe các em với tấm lòng yêu thương và tuyệt đối tin tưởng. 

"Hàng rào bảo vệ trẻ em tốt nhất chính là cha mẹ và gia đình, sau đó mới đến người thân, cộng đồng, chính quyền. Về phía các cơ quan nhà nước, chúng tôi luôn nỗ lực để nắm bắt thông tin và hỗ trợ, bảo vệ các em một cách nhanh nhất, an toàn nhất, để các em không phải chịu thêm bất cứ nỗi đau nào nữa", ông Nam nhấn mạnh và cho biết them, Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em 111 có chức năng là đường dây nóng, thường trực 24/7 tiếp nhận về các vụ việc xâm hại trẻ em. Trong trường hợp khẩn cấp, Tổng đài 111 sẽ yêu cầu ngay lập tức với cảnh sát, chính quyền địa phương can thiệp để giúp đỡ trẻ em. "Chúng tôi rất mong các gia đình của nạn nhân bị xâm hại sẽ không im lặng, sẽ mạnh mẽ lên tiếng để tố giác những hành vi sai trái, không để lọt lưới tội phạm và cũng là không cho hành vi phạm tội này có cơ hội tiếp diễn", ông Nam nói.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em là nạn nhân của xâm hại, Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương chia sẻ, ngay khi trẻ em bị xâm hại, điều các em cần nhất là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của những người thân cận nhất, chính là những người "sơ cứu" ban đầu cho trẻ. Câu nói "Cha mẹ ở ngay đây" có sức mạnh to lớn đối với các em trong giai đoạn nhạy cảm này. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ y tế, pháp lý, thu thập bằng chứng cũng cần được thực hiện nhanh gọn, tế nhị, khéo léo, tránh cứa sâu thêm vào nỗi đau của các em và tránh việc ép buộc các em phải kể lại nhiều lần câu chuyện đau buồn này. 

Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú – người đã xuất bản nhiều ấn phẩm liên quan đến trẻ em cho rằng, việc truyền thông, đưa tin về các vụ việc xâm hại trẻ em là một cách giúp những vụ việc này không bị chìm xuống, rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, nhà báo khi thực hiện những nội dung này không nên đặt nặng việc phải đưa tin thật nhanh chóng, mà cần đưa thông tin chính xác và quan trọng hơn cả là đảm bảo bí mật danh tính của nạn nhân, gia đình và những người xung quanh. Điều này sẽ giúp nạn nhân không bị tổn thương hơn cũng như không gây tâm lý e sợ, xấu hổ. Và không phải chỉ khi nào có vụ việc xảy ra chúng ta mới truyền thông, việc truyền thông cần thực hiện liên tục đến nhiều đối tượng hơn.

Trên cương vị một người cha, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng đưa ra thêm lời khuyên: "Muốn con lên tiếng khi bị xâm hại hay bất cứ rắc rối nào, cha mẹ hãy dành cho con sự quan tâm, gần gũi thân thiết với con ngay từ khi con còn nhỏ, nói chuyện với con hàng ngày, tạo cho con thói quen lên tiếng. Nếu con không được trao quyền để lên tiếng thì trong những vấn đề nhạy cảm thế này, các con sẽ càng khó khăn hơn khi nói ra câu chuyện của mình, cha mẹ sẽ không thể hỗ trợ được con hiệu quả."

Khép lại buổi toạ đàm, Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD đưa ra thông điệp: "Hành trình xây dựng lá chắn an toàn cho mọi trẻ em là một hành trình dài, khó khăn và cần sự nỗ lực, đặc biệt là các bậc cha mẹ nhưng hãy luôn nhớ rằng các cha mẹ không bao giờ đơn độc. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội vẫn luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các gia đình trên hành trình này. Tuy rằng chiến dịch "Con an toàn - Cha mẹ ở ngay đây" chỉ kéo dài 1 tháng, nhưng những nỗ lực của chúng ta sẽ không dừng lại nếu như chỉ còn 1 trẻ em chưa được an toàn".