Trên thực tế, hòa nhập không chỉ là một mục tiêu mà còn là mong ước của tất cả những người khuyết tật ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này còn rất nhiều rào cản cần xóa bỏ, trong đó, rào cản lớn nhất không phải từ phía những người khuyết tật, mà lại từ chính xã hội.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7% dân số. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người sống chung trong gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số.
Theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam, những gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật.
Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2,3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.
Kết quả điều tra cũng cho thấy loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em là khuyết tật liên quan đến tâm lý xã hội. Điều này liên quan đến các vấn đề phát triển của trẻ em ở các giai đoạn khác nhau, và những khuyết tật này có thể là rào cản lớn ngăn cản sự tham gia xã hội của trẻ khuyết tật.
Điều tra cũng chỉ ra rằng cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Đến cấp trung học phổ thông chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật. Mặc dù việc đưa trẻ em khuyết tật vào hòa nhập với trẻ em khác và học chung giáo trình đã cho những kết quả tích cực, nhưng chỉ có 2% trường tiểu học và trung học cơ sở có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.
Bên cạnh đó, có tới 43% người khuyết tật được hỏi cho biết đã từng có cảm nhận bị kỳ thị. 46% người khuyết tật tự cho rằng họ không nên yêu và lập gia đình do mặc cảm cá nhân. Điều đáng nói, những rào cản này không xuất phát từ phía những người khuyết tật và nếu chỉ những người khuyết tật cố gắng, nỗ lực là không đủ. Thực tế cho thấy, nếu được hòa nhập từ sớm, người khuyết tật sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Quan trọng hơn, họ sẽ có sự tự tin.