Thị trường bất động sản nhà ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 năm thứ hai liên tiếp bị sụt giảm về quy mô, có biểu hiện lệch pha cung - cầu và gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, như: Sụt giảm số lượng dự án nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội; Sụt giảm số lượng sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội; Sụt giảm số lượng giao dịch; Sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất và thị trường bất động sản.
Nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc, chồng chéo, xung đột trong một số quy định của pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay có nhiều khu đất sạch do Nhà nước quản lý đã được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhưng chưa thể triển khai thực hiện được, do bị 'ách tắc' trong công tác đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án. Nguyên nhân là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa quy định cụ thể về tiêu chí đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Căn cứ các chính sách ưu đãi của pháp luật về nhà ở đối với chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trên quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý, HoREA đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét chấp thuận và quy định các tiêu chí đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư.
Qua đó, HoREA đề xuất 7 tiêu chí, gồm: vốn đầu tư; lợi nhuận định mức; mức hưởng ưu đãi về thuế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; dành diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại; thời hạn thuê, tỷ lệ sản phẩm nhà ở xã hội cho thuê của dự án; giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đặt cọc tiền thuê nhà; và tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh), để thực hiện "kết nối ngân hàng với doanh nghiệp" là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua trả góp nhà ở xã hội có thể được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý nhất.