Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể xã, thị trấn khảo sát kỹ nhu cầu người học phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất tại địa phương nên hầu hết học viên sau khi tham gia lớp học nghề nông nghiệp đều ứng dụng kiến thức, kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập. Đối với lao động phi nông nghiệp, người lao động tự tạo việc làm tại gia đình, số khác tìm việc làm ở các công ty trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh.
Anh Hoàng Văn Hải-Trưởng phòng đào tạo nhà trường đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế một số trường hợp học viên sau học nghề để tìm hiểu về công việc làm của họ hiện nay. Đến gia đình vợ chồng chị Bùi Thị Phương Thảo và anh Bùi Tấn ở xã Sơn Nguyên là học viên học lớp trồng nấm năm 2018. Sau khi học nghề, Chị Thảo cùng chồng đã tiếp thu kiến thức, kỹ năng thực hành về ứng dụng vào nuôi trồng nấm tạo thêm thu nhập cho gia đình. Gia đình chị Thảo đã tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương như rơm, với kiến thức đã học, ứng dụng vào kỹ thuật ủ rơm, cấy meo nấm, đóng khung để ở nhà nấm đảm bảo giữ độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng phù hợp nên sản phẩm đạt hiệu quả về năng suất. Chị Thảo cho biết, Trung bình mỗi tháng gia đình thu hoạch nấm vào 2 kỳ vào ngày rằm (15) và mùng 1 (âm lịch), vì vào các ngày này người tiêu dùng thường ăn chay nên nấm bán rất đắt. Bình quân gia đình thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng từ trồng nấm. Ngoài sản xuất chính như trồng lúa, mía, keo, chăn nuôi của gia đình thì nghề nấm cũng tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình ở nông thôn như chị Thảo. Từ thu nhập này gia đình chị đã nuôi được con ăn học đầy đủ, một đứa lớn học đại học kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh, một đứa đang học lớp 12.
Trao đổi về kinh nghiệm trồng nấm với vợ chồng chị Thảo sao cho đạt năng suất cao hơn, anh Anh Hoàng Văn Hải-Trưởng phòng đào tạo Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Phú Yên chia sẻ một số kỹ thuật về chăm sóc và thu hái nấm. Theo anh Hải, ở giai đoạn tưới đón nấm đối với nấm rơm trồng trong nhà, đến ngày thứ 5-7 quan sát mô nếu thấy tơ nấm đã ăn đều trên bề mặt mô thì tiến hành tưới ẩm sương mù trực tiếp xung quanh. Chú ý phải tưới nước bằng hệ thống tưới tạo ẩm, tránh hạt nước tưới to mạnh làm tơ nấm tổn thương ảnh hưởng tới năng suất vì lúc này sợi nấm đã mọc ra phía ngoài thành mô. Nếu tưới nước quá nhiều và không cẩn thận nấm dễ bị thối chân và chết ngay từ lúc còn nhỏ. Ở giai đoạn thu hái nấm, nấm rơm mọc nhanh, sau khi đóng mô cấy giống từ 12 - 14 ngày là có nấm thu hái được. Hái nấm rơm khi quả thể còn ở giai đoạn hình trứng là tốt nhất. Trường hợp nấm mọc tập trung thành cụm ta có thể tách những cây lớn hái trước, tuy nhiên cách hái này dễ gây ra hiện tượng lỏng gốc cụm nấm gây thối nhũng cả cụm. Hái nấm 1 lần vào lúc sáng sớm và chiếu tối là tốt nhất. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ không khí cao nấm phát triển rất nhanh vì vậy người trồng nấm phải quan sát kỹ thấy cây nấm hơi nhọn đầu là phải hái ngay. Khi thu hái hết đợt 1 cần vệ sinh sạch mô nấm, dùng nilon cắt lỗ phủ lại 3 - 4 ngày, trong những ngày đó ngừng tưới sau đó bỏ nilon ra tưới nhẹ để nấm ra tiếp đợt 2, hái trong 1-2 ngày thì kết thúc một đợt nuôi trồng. Năng suất nấm cao hay thấp còn phụ thuộc vào chất lượng giống nấm, kỹ thuật nuôi trồng, cách chăm sóc nhất là khâu tưới nước và yếu tố khí hậu.
Nghề trồng mía, trồng sắn (mỳ) cũng là một trong những ngành nghề chủ lực về nông nghiệp của huyện miền núi Sơn Hòa. Từ kinh nghiệm thực tế, nhiều nông dân nơi đây tham tham gia các lớp học nghề nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng cho năng suất cao. Như hộ anh Y Nam ở thôn Nguyên Xuân xã Sơn Nguyên, sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức vào thực tiễn canh tác 3 ha mía cho năng suất cao hơn hẳn những năm trước đó. Theo anh Nam, gia đình trồng khoảng 3 ha mía, thu nhập trung bình khoảng 30-40 triệu đồng/vụ. "Năng suất đạt cao do kỹ thuật canh tác của bà con sau khi học nghề khá hiệu quả, nhưng cũng có chút buồn là vì hiện nay giá mía hơi thấp nên thu nhập của bà con có giảm đi"-anh Nam chia sẻ.
Đối với nghề trồng sắn, anh Hoàng Văn Hải chia sẻ, sau khi học xong lớp trồng sắn, học viên ở các xã Phước Tân, Cà Lúi nắm đã nắm bắt được cơ bản cách trồng và chăm sóc sắn đạt năng suất cao. Đó là kỹ thuật bón phân và điều tiết nước cho sắn. Xác định được lượng phân bón các loại, tỷ lệ phân bón, thời điểm bón phân để đảm bảo năng suất, phẩm chất củ. Xác định được độ ẩm tối đa đồng ruộng thời điểm tưới tiêu cho sắn. Nhận biết được sâu, bệnh gây hại và điều tra, xác định được sâu hại trên chính cây sắn để thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại ở cây sắn.
Chị Cao Thị Loan-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sơn Nguyên cho biết, trong thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ của xã đã tham gia các lớp học nghề do Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Phú Yên về đây tổ chức các nghề may mặc, trang điểm cô dâu, nấu ăn, trống nấm, trồng mía, trồng mỳ (sắn). Những nghề phi nông nghiệp như may mặc hiện nay nhiều chị em học nghề xong xin việc ở các Công ty may mặc ở thành phố Tuy Hòa, một số khác vào thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương xin việc làm, một số mở tiệm may tại nhà cho làng xóm và gia đình, như chị Cao Thị Hằng mở quán ăn tại nhà, chị Hồ Thị Bích Hà mở tiệm trang điểm cô dâu, chị Võ Thị Mỹ Duyên mở tiệm may tại gia đình. Nhiều chị em học nghề nông nghiệp đa biết ứng dụng vào kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất cao. Qua các lớp nghề, Hội cũng giúp đỡ các chị em thiếu vốn sản xuất kinh doanh được vay vốn theo mô hình khởi nghiệp kinh doanh.
Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Phú Yên thuộc Sở Lao động-thương binh & xã hội tỉnh Phú Yên, được thành lập vào ngày 5/10/2009, trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hòa. Từ lúc thành lập đến nay, Trường đã tích cực đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề của huyện và khu vực. Từ khi thành lập đến nay, Trường không ngừng củng cố và phát triển cơ sở vật chất – trang thiết bị, ổn định công tác đào tạo, đem lại hiệu quả trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân lao động trên địa bàn huyện Sơn Hòa.
Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất ở 3 trình độ: Trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Đối với trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên, hiện nay nhà trường đã đăng ký hoạt động dạy nghề cho 8 nghề, gồm: Điện dân dụng, Kỹ thuật Hàn, May công nghiệp, Trồng và nhân giống nấm, Trồng mía đường, Trồng sắn, Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò và Kỹ thuật chế biến món ăn. Anh Hoàng Văn Hải-Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã mở được 5 lớp sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên với tổng số 167 học viên. Bao gồm 1 lớp nghề phi nông nghiệp là nghề trang điểm cô dâu (27 học viên) ở xã Sơn Xuân và 4 lớp nghề nông nghiệp (140 học viên) là nghề trồng sắn ở xã Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội và Nuôi phòng trị bệnh cho trâu, bò ở xã Suối Trai. Các lớp nghề nông nghiệp được trang bị kiến thức kỹ thuật để canh tác nâng cao năng suất cây trồng hiệu quả. Đối với các lớp phi nông nghiệp, học viên không chỉ tự tạo việc làm, mà còn có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp ở các công ty trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trước đây, nhà trường còn kiên kết với các doanh nghiệp như Công ty Tấn Minh là đối tác của Công ty KCP hợp tác với trường đào tạo nghề, sau khi đào tạo ra làm việc cho công ty. Hay như liên kết với Công ty May Phong Phú ở Tuy Hòa đào tạo nghề may, có sự hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty và theo dõi, hướng dẫn tay nghề cho các em phù hợp với việc làm tại công ty. Sau khi các em học xong được nhận về công ty làm việc.