Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, theo báo cáo của cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực… Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán).
Tổ chức Y tế thế giới công bố mỗi năm có khoảng gần 10 nghìn ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người.
Riêng khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư trái phép, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ USD/năm.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt người Việt xuất cảnh ra nước ngoài và khoảng 6 triệu người Việt nhập cảnh về nước theo đường chính thức. Nếu tính cả số người xuất nhập cảnh không chính thức qua biên giới đường bộ (di cư trái phép), hàng năm, số lượt người Việt Nam xuất cảnh hoặc nhập cảnh khoảng 9 triệu người (10% tổng dân số cả nước).
Trong đó, đáng chú ý tình hình người Việt Nam di cư ra nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người bao gồm di cư vì mục đích kinh tế, di cư để du học nước ngoài, di cư với mục đích kết hôn có yếu tố nước ngoài và di cư quốc tế do người nước ngoài nhận con nuôi Việt Nam.
Những trường hợp di cư trái phép này có thể gặp nhiều nguy hiểm, không an toàn, không được pháp luật bảo vệ, dễ bị bắt cóc, lạm dụng hoặc trở thành nạn nhân của mua bán người. Điển hình như thời gian qua, Cảnh sát Anh phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và xác định 39 thi thể người có quốc tịch Việt Nam trong thùng xe container tại khu công nghiệp Grays ở Thurrock, hạt Essex, đông bắc London, đang trên đường di cư trái phép vào vương quốc Anh.
Di cư để du học nước ngoài, trong đó số người đi du học theo học bổng từ ngân sách nhà nước hay theo các điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với nước ngoài chiếm tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn là du học tự túc. Hiện có khoảng 100 nghìn người Việt Nam đang theo học ở nước ngoài, chủ yếu tại các trường của các quốc gia có nền giáo dục phát triển như: Mỹ, Canada, Nhật, Pháp, Úc, Anh, New Zealand… Một số ít có thể bị đối tượng phạm tội lợi dụng đưa người ra nước ngoài trái phép để bắt lao động cưỡng bức, bóc lột tình dục.
Từ đầu năm 2016, phát hiện hơn 1.200 vụ với 1.600 đối tượng, lừa bán 2.800 nạn nhân, trên 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó sang Trung Quốc chiếm 75%. Các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người ra nước ngoài lao động, khi đến nước sở tại, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương… Cơ quan chức năng phát hiện nhiều đường dây có sự cấu kết, phân công chặt chẽ với các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc),Trung Quốc, Malaysia, Singapore hay Hàn Quốc... với các đối tượng người Việt Nam lừa phụ nữ bán ra nước ngoài dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép.
Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, tổ chức đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.