Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, trong vòng 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh này có 134 em bị xâm hại. Trong đó, có 128 em là nữ và 6 em nam. Có 6 em bị xâm hại bạo lực, bạo hành; 99 em bị xâm hại tình dục; 29 em bị mua bán.
Thống kê của các ngành trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ, những đối tượng thực hiện hành vi xâm hại chủ yếu là những người đã thành niên. Trong đó, chủ yếu là nam giới; đối tượng mua bán trẻ em chủ yếu là nữ giới.
Phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại như: bố đẻ, bố dượng, bạn bè, hàng xóm, người có trách nhiệm chăm sóc, người quen của trẻ.
Phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ em hoặc người thân của trẻ để tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ, nhất là các vụ xâm hại tình dục mua bán trẻ. Khi tiếp cận được, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dụ dỗ trẻ như cho tiền, cho sử dụng điện thoại, rủ đi chơi..., đe dọa trẻ để thực hiện hành vi xâm hại.
Đáng chú ý trong thời gian gần đây ngành chức năng phát hiện thủ đoạn phạm tội mới: Các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ mang thai sắp sinh ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, rủ rê lôi kéo đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán con lại cho người Trung Quốc mỗi trường hợp hàng chục triệu đồng. Qua rà soát ở địa bàn huyện Kỳ Sơn, lực lượng chức năng phát hiện có 25 trường hợp phụ nữ mang thai sang Trung Quốc để sinh. Trong số đó, lực lượng Công an đã xác minh làm rõ 6 trường hợp khai nhận sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc.
Các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra hầu hết ở các địa bàn trên toàn tỉnh, trong đó xảy ra nhiều ở các huyện miền núi và trung du, các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có trình độ dân trí thấp; cha mẹ của các nạn nhân chủ quan, thiếu quan tâm chăm sóc con em mình. Với những diễn biến phức tạp về xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện, bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng: Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở vẫn còn thờ ơ, và nhận thức chưa đúng về việc ngăn chặn trước những nguy cơ mà trẻ có thể bị xâm hại. Mỗi cán bộ làm công tác trẻ em cần nâng cao nhận thức và nghiệp vụ về công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, để công tác phòng ngừa được thực hiện từ các cấp cơ sở.
Trước những diễn biến phức tạp về tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng: Mặc dù đã có lực lượng nòng cốt tham gia công tác trẻ em, thế nhưng các vụ việc xâm hại trẻ vẫn tiếp tục gia tăng, do đó cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, chính quyền. Bản thân lực lượng nòng cốt ở các cấp cơ sở cần nắm chắc các quy định, các văn bản về công tác trẻ em; xác định rõ trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần nâng cao công tác tuyên truyền trong cộng đồng xã hội. Các ngành, các cấp cần có phương thức tuyên truyền sáng tạo, phù hợp với đối tượng, phù hợp với từng địa bàn. Đặc biệt chú trọng nhất là nâng cao giáo dục rèn luyện kỹ năng cho trẻ, nhất là trẻ em khoảng từ 8 - 14 tuổi. Cần có cơ chế phối hợp giữa gia đình nhà trường, địa phương một cách chặt chẽ; có cơ chế cung cấp thông tin sát, đúng, từ đó kịp thời ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra. Việc ngăn chặn nguy cơ xâm hại trẻ là việc rất khó, nên các địa phương cần tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình, để lan tỏa các cách làm hiệu quả, nhằm hạn chế số vụ việc diễn ra. – Chủ tịch Thái Thanh Quý nhấn mạnh.