Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Quảng Ninh đã vào cuộc với tinh thần cao nhất. Theo đó, ban hành 8 nghị quyết HĐND, 8 quyết định của UBND tỉnh quy định các chính sách nhằm phòng ngừa xâm hại trẻ em như: Hỗ trợ trẻ em bậc tiểu học, mầm non vùng khó khăn đến trường; chính sách hỗ trợ đối với trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị xâm hại tình dục phải sinh con và đang nuôi con...
Các nghị quyết, quyết định của tỉnh mở rộng đối tượng và các mức chuẩn hỗ trợ cao hơn quy định của Trung ương, được triển khai đồng bộ đã đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay đã tổ chức 724 buổi tuyên truyền trực tiếp cho 127.720 lượt người nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trưởng thôn, bản, khu phố, chi hội phụ nữ thôn/khu… Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Trẻ em, bạo lực gia đình, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trợ giúp pháp lý, các địa chỉ can thiệp, trợ giúp trẻ em, số điện thoại đường dây nóng trợ giúp miễn phí…
Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, phòng ngừa bị xâm hại, trẻ em nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Điều này, đã làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của người dân, gia đình, các tổ chức xã hội và nhất là cán bộ làm công tác trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm tính phù hợp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do hoàn cảnh trẻ em đa dạng, một bộ phận người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí còn thấp, thiếu nhận thức, hiểu biết về sự cần thiết phải bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chưa có kiến thức để chăm sóc, bảo vệ con cái... dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại tình dục được hỗ trợ còn ít so với thực tế. Một số vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra nhưng do từ phía gia đình nạn nhân với tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng danh dự nên không trình báo với cơ quan chức năng hoặc tự thoả thuận hoà giải với đối tượng, từ chối giám định; một số vụ xâm hại trẻ em đối tượng xâm hại chính là người thân trong gia đình nên gia đình khó phát hiện... gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý tội phạm.
Giai đoạn 2015 - 2019, số trẻ em bị xâm hại là 146 trẻ, đa số là trẻ bị xâm hại tình dục và bạo lực. Trước đây, trẻ bị xâm hại thường từ 13 - 18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc mà nạn nhân chỉ từ 5 tuổi đến 13 tuổi. Thậm chí, có trường hợp trẻ mới 14 tháng tuổi bị dâm ô (huyện Ba Chẽ). Mặt khác, đối tượng xâm hại trẻ em đa dạng ở lứa tuổi, ngành nghề. Đa số nạn nhân trẻ em bị xâm hại là nữ giới (chiếm 83%), thủ đoạn của đối tượng xâm hại trẻ em lợi dụng trẻ ở nhà một mình, thiếu hiểu biết về giới tính và khả năng phòng vệ yếu để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.
Để giải quyết tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, tỉnh Quảng Ninh đề xuất nhiều biện pháp pháp tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đó là điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho đối tượng trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại tình dục; sửa đổi một số điều luật cho phù hợp với tình hình thực tế; xử lý người biết mà không tố giác tội phạm hoặc bao che cho tội phạm xâm hại trẻ em...