Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Người có công

Bảo đảm an sinh xã hội trong từng chính sách

LĐXH
LĐXH

(LĐHX) - Trong các nhóm chính sách được thực hiện thì chính sách ưu đãi, tôn vinh người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện tốt nhất.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện và hài hoà hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đóng góp vào thành tựu phát triển có việc tổ chức và thực hiện các chính sách an sinh xã hội…

Từ thành tựu an sinh…

Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước và là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bảo đảm an sinh xã hội trong từng chính sách - 1
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Đồng Tháp tháng 12/2024. 

Trong các nhóm chính sách được thực hiện thì chính sách ưu đãi, tôn vinh người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện tốt nhất. 

Có thể thấy qua những con số: Đối tượng người có công với cách mạng được mở rộng với chế độ và chính sách ưu đãi phù hợp. Cả nước có trên 1,2 triệu người có công và thân nhân đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn.

Việc bảo đảm an sinh xã hội chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân, Nhà nước đã dành khoảng 20% tổng chi ngân sách hàng năm cho chính sách xã hội, số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm và đạt 3,3 triệu người năm. Công tác giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. 

Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 đã giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022. GDP bình quân đầu người tăng từ 86 USD năm 1986 lên 4.437 USD năm 2023.  Diện bao phủ BHXH và bảo hiểm thất nghiệp cũng không ngừng được mở rộng.

Tính đến tháng 11/2024, toàn quốc có 19,3 triệu người tham gia BHXH, tăng 11,39% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, BHXH bắt buộc là 17,281 triệu người, tăng 8,3%; BHXH tự nguyện là 2,084 triệu người, tăng 45,8%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 15,560 triệu người, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân ngày càng tốt hơn. Về giáo dục, y tế, trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020. Năm 2022, có 92% người dân tham gia BHYT; 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ...

Về nhà ở, đến năm 2020, đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2021, 90% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Về tiếp cận thông tin, năm 2016, 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% xã có đài truyền thanh...

Từ năm 2011 đến nay, thông qua các Chương trình 167, Chương trình 133, Chương trình 48 về nhà ở cho người nghèo và người dân vùng bão, lũ, đặc biệt là Chương trình 22 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở trong cả nước;

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đó là phạm vi bao phủ và khả năng giải quyết rủi ro của các chính sách xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo cao, phân hoá giàu - nghèo có xu hướng tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai;

Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chuyển biến chưa rõ nét; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. 

Đến mở rộng lưới an sinh xã hội

Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Nghị quyết số 42 đã đưa ra 4 quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trong đó, đáng chú ý, Nghị quyết đã chuyển đổi cách tiếp cận từ "bảo đảm và ổn định" sang "ổn định và phát triển"; mở rộng phạm vi ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả đối tượng; 9 nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về chính sách xã hội.

Nghị quyết số 42 xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin.

Nghị quyết số 42 xác định các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; 100% hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định; bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở tối thiểu đạt 95%, cấp trung học phổ thông và tương đương tối thiểu đạt 75%; bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia;

Tuổi thọ trung bình của người dân khoảng  75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm; chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm cao trong khu vực; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 15%;

Xây dựng được ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia HDI cao trên thế giới. 

Để bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 42 đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội; nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;

Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng;

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội; đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội.

Minh Hoàng

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan
Trẻ em Việt Nam trong khát vọng vươn mình

Trẻ em Việt Nam trong khát vọng vươn mình

(VTE) - Trong bối cảnh đất nước chuyển mình mạnh mẽ, khát vọng của thế hệ tương lai càng trở nên rõ nét và là động lực để xã hội không ngừng đầu tư...