Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Người có công

Những người chữa lành vết thương chiến tranh

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Dưới mái nhà của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành là những thương, bệnh binh đã đi qua chiến tranh, mang trên mình vết thương không bao giờ lành.

Được thành lập ngày 3/4/1965, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) là một trong những đơn vị có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất trực thuộc Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH). Ở đó, có những con người đã dành cả tuổi trẻ để xoa dịu nỗi đau, giúp thương, bệnh binh tìm lại ý nghĩa cuộc sống.

Dưới mái nhà của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành là những thương, bệnh binh đã đi qua chiến tranh, mang trên mình vết thương không bao giờ lành. Gần 60 năm qua, đây không chỉ là chốn nương tựa của họ mà ở đó có những người thầy thuốc tận tụy ngày đêm chăm sóc, xoa dịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho những người đã hiến dâng tuổi trẻ cho Tổ quốc. 

Những người chữa lành vết thương chiến tranh - 1
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành.

Gắn bó từ sự cảm phục và lòng biết ơn

Lần đầu đặt chân đến Trung tâm, bác sĩ Ngô Huy Phô (nay là Trưởng phòng Y tế phục hồi chức năng) không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến các bác thương binh phải di chuyển trên những chiếc xe lăn, xe lắc - đôi chân duy nhất của họ trong suốt phần đời còn lại.

Ở bệnh viện, bệnh nhân đến rồi đi nhưng nơi này, các bác sĩ và thương, bệnh binh cùng sống, cùng nhau trải qua từng ngày với những nỗi đau kéo dài từ quá khứ. "Lúc đầu tôi dao động, tự hỏi liệu mình có thể gắn bó lâu dài với nơi này?", bác sĩ Phô chia sẻ.

Nhưng rồi, sự gắn bó đến từ tình cảm chân thành. Ông nhìn thấy sự mạnh mẽ của những người từng ra trận, thấy sự nỗ lực để thích nghi với cuộc sống mới. Những bàn tay từng cầm súng giờ cầm chổi quét nhà, tự nấu ăn, chăm sóc bản thân dù chỉ còn một bàn tay lành lặn. Chính điều đó khiến ông ở lại, cống hiến suốt 17 năm qua.

Hơn ai hết, bác sĩ Phô hiểu rằng nỗi đau của thương, bệnh binh không chỉ là vết thương cũ mà còn là di chứng dai dẳng theo thời gian. Hầu hết họ bị tổn thương cột sống, mất hoàn toàn cảm giác nửa thân dưới, kèm theo đó là tiểu đường, viêm đường tiết niệu, suy thận, loét da do nằm lâu. 

Khi trái gió trở trời, vết thương hành hạ khiến họ đau đớn đến xương tủy. Có người vẫn còn mảnh đạn nằm trong cơ thể, mỗi khi thời tiết thay đổi lại đau nhói như một lời nhắc về quá khứ. Công việc của bác sĩ không chỉ là điều trị mà còn động viên, lắng nghe để giúp họ vượt qua những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần.

Những người chữa lành vết thương chiến tranh - 2
Bác sĩ Ngô Huy Phô, Trưởng phòng Y tế phục hồi chức năng khám sức khỏe cho thương bệnh binh.

Tại Trung tâm, mỗi bác sĩ không chỉ làm nhiệm vụ của thầy thuốc mà còn là người thân. Có những bệnh nhân phải nằm liệt giường quanh năm, không thể tự xoay trở, cần chăm sóc 24/24 giờ. Khi xảy ra biến chứng, nếu không phát hiện kịp thời, họ có thể gặp nguy hiểm.

Vì vậy, các bác sĩ luôn phải để ý đến từng dấu hiệu nhỏ nhất. Những việc tưởng chừng đơn giản như thay bỉm, thay ga giường, điều chỉnh tư thế nằm cũng đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn và thấu hiểu.

Có những thương binh mặc cảm, khép mình vì nghĩ rằng bản thân là gánh nặng. Nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình, họ dần mở lòng, tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Nhiều người tham gia các hoạt động như viết báo, làm thơ, sửa chữa điện tử... 

Công việc ở Trung tâm không dễ dàng, cũng không có mức thu nhập cao như ở bệnh viện lớn. Nhiều bác sĩ trẻ đến rồi đi nhưng bác sĩ Phô vẫn ở lại. Bởi với ông, nơi đây đã trở thành một phần cuộc sống.

Ông không chỉ nhớ rõ từng bệnh nhân mà còn thuộc lòng cả những thói quen, sở thích của họ. Khi một bác thương binh qua đời, ông đau lòng như mất đi người thân. Đó là lý do ông vẫn tiếp tục công việc dù biết rằng mỗi ngày trôi qua, ông lại phải đối diện với những cuộc chia ly.

Hết lòng vì người bệnh

Bác sĩ Phạm Thị Pha cũng đã gắn bó với Trung tâm hơn 25 năm, từ lúc trung tâm có hơn 300 thương, bệnh binh, nay chỉ còn 87. Trong những năm công tác, bà đã chứng kiến nhiều trường hợp hy sinh do những vết tích và căn bệnh mà chiến tranh đã để lại.

Bác sĩ Pha chia sẻ, những ca bệnh ở Trung tâm có nhiều điểm đặc biệt mà không trường lớp nào dạy. Đa số thương, bệnh binh đều bị liệt, do đó việc tiêm truyền và phẫu thuật không còn gây ra tác động đau đớn như người bình thường.

Những người chữa lành vết thương chiến tranh - 3
Thương, bệnh binh thư giãn tại Trung tâm.

Nhiều bệnh nhân bị gãy xương nhưng không hay biết, chỉ đến khi vùng bị tổn thương sưng to mới phát hiện ra. Nhiều ca bệnh còn được bác sĩ thực hiện chữa trị ngay tại phòng của thương, bệnh binh.

“Vì các bác thương, bệnh binh gặp khó khăn trong vận động, chủ yếu di chuyển bằng xe lăn nên việc phẫu thuật thường diễn ra ngay trên giường. Tất cả ga giường, vỏ chăn, gối đều được vô trùng tuyệt đối, vừa để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật, vừa để hạn chế việc di chuyển, tránh bị gãy xương ở các phần bị liệt”, bác sĩ Pha cho biết.

Một trong những khó khăn lớn nhất là việc sử dụng thuốc giảm đau. Một số bác đã phải dùng morphine từ thời chiến tranh đến giờ để giảm bớt cơn đau kéo dài.

Tuy nhiên, việc kiểm soát liều lượng rất quan trọng, nếu dùng quá mức có thể dẫn đến nghiện. Bác sĩ Pha từng nhiều lần nhẹ nhàng thuyết phục khi một số bệnh nhân tìm cách xin thêm thuốc. Công việc không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn là sự kiên nhẫn và cả lòng trắc ẩn.

Trong suốt thời gian làm việc tại Trung tâm, bác sĩ Pha luôn coi các thương, bệnh binh như người thân. Bà thuộc lòng từng hồ sơ bệnh án, từng câu chuyện cuộc đời mỗi người. Những lúc bệnh nhân đau đớn, bà ở bên động viên, chăm sóc; bà vui khi họ khỏe hơn. Một số thương binh không muốn về quê bởi đã quen với cuộc sống tại Trung tâm, nơi có đồng đội và bác sĩ luôn hết lòng vì họ.

Ông Đỗ Đăng Khuây (SN 1949, Thái Bình), thương binh với tỷ lệ thương tật 92% chia sẻ: "Tôi bị thương rất nặng, tưởng chừng không thể tiếp tục sống bình thường. Nhưng ở đây, các bác sĩ không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn giúp chúng tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống. Họ đã rất cố gắng để đáp ứng nguyện vọng của các thương binh, nhất là người già như chúng tôi".

Cùng chung suy nghĩ, bà Vương Thị Khuy (SN 1956), người nhà bệnh nhân hoàn toàn thấu hiểu sự tận tụy của đội ngũ y, bác sĩ: "Gia đình chúng tôi biết ơn lắm. Không chỉ là chữa bệnh, các bác sĩ còn như người thân của bệnh nhân, quan tâm, động viên từng chút một. Thấy các bác thương binh được chăm sóc chu đáo, tôi thực sự cảm thấy an lòng".

Dù công việc vất vả, các bác sĩ và cán bộ nhân viên y tế ở đây chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ. Họ hiểu rằng, những người lính năm xưa đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả một phần thân thể vì Tổ quốc thì những gì họ đang làm chỉ là một phần nhỏ bé để đền đáp lại.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, điều kiện cơ sở vật chất tại trung tâm đã cải thiện nhiều. Mỗi phòng bệnh đều có hệ thống chuông cấp cứu, giúp bệnh nhân gọi nhân viên y tế khi cần.

Nhưng hơn cả những tiện nghi vật chất, điều giúp các thương binh ở đây sống vui vẻ và lạc quan là sự tận tâm, kiên trì của đội ngũ bác sĩ, những người không chỉ chữa bệnh mà còn chữa lành vết thương chiến tranh bằng cả tấm lòng”.

Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, mỗi ngày trôi qua là một ngày người thầy thuốc âm thầm chiến đấu với bệnh tật, với nỗi đau, để giữ lại nụ cười, tia hy vọng cho những người đã đi qua chiến tranh. Không ồn ào, không khoa trương, họ vẫn tiếp tục công việc của mình, bằng tất cả trái tim và lòng tận tụy.

Hoàng Hiệp - Phạm Duyệt

Báo Lao động và Xã hội số 25

Tin liên quan
Thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi

Thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi

(LĐXH) - Trở về sau chiến tranh với vết thương trên người, những người lính cụ Hồ luôn tự nhắc nhở phải sống gương mẫu ở địa phương, làm trụ cột phát...