Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Binh chủng “xe đạp thồ” góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Khi xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ, Tướng Nava từng nhận định: “Lực lượng của tướng Giáp sẽ không thể có tiếp viện vũ khí, đạn dược và lương thực. Phải mang hàng ngàn tấn hàng, xuyên hàng trăm ki lô mét rừng rậm để tiếp viện cho một lực lượng chiến đấu khoảng 50.000 người là một thử thách không thể vượt qua”.

Chiếc xe đạp thồ chính là hiện thân của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, góp phần công phá “Pháo đài bất khả xâm phạm” của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, khiến đội quân viễn chinh  phải nhận sự thất bại cay đắng.

Tôi gặp một đoàn khách, lần đầu tiên đặt chân vào Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi chiêm ngưỡng những chiếc xe đạp thồ nhiều vị khách ngoại quốc ồ lên kinh ngạc, đặc biệt là người Pháp đều rất thích thú trước những chiếc xe đạp có xuất xứ từ chính đất nước họ, nhưng đã được quân và dân ta cải biến thành đội quân xe thồ vận tải. Họ gọi đó là điều kỳ diệu và không thể ngờ được.

Nhìn những chiếc xe thồ được cải tạo từ những chiếc xe đạp pơ giô có thể thồ đến 300kg hàng chạy bằng… sức người, họ không thể tin Việt Minh lại là người chiến thắng cuối cùng trong trận chiến 56 ngày ở Điện Biên.

3.jpg
Binh chủng xe đạp thồ ra tiền tuyến. Ảnh TTXVN

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài sự tham gia của các sư đoàn bộ binh, binh chủng pháo binh, phòng không, công binh, đã ra đời một binh chủng đặc biệt, đó là binh chủng  “xe đạp thồ”.

Xe đạp thồ, loại phương tiện vận chuyển hiệu quả góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954). Vì thế, xe đạp thồ đã đi vào huyền thoại trong “Chín năm làm một Điện Biên” và là chuyện chưa từng có trong lịch sử thế giới...

Ưu điểm của loại phương tiện này là đi được trên nhiều loại đường, địa hình phức tạp mà ô tô không thể đi được, không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang, có thể đi lẻ hoặc đi thành từng đoàn trong mọi điều kiện thời tiết nắng gió, mưa lũ... địa hình dốc núi cách trở.

Để thồ được khối lượng lớn hàng hóa, từ một chiếc xe đạp bình thường, dân công và bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã buộc thêm vào ghi đông xe một đoạn tre già bằng cổ tay, dài khoảng 1m. 

Các anh, chị dân công còn buộc thêm vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên xe khoảng 50cm làm tăng sức chịu lực của xe để cầm, vừa giữ thăng bằng cho xe, vừa đẩy xe đi; dùng quần áo cũ, săm xe cũ… cuốn vào bánh làm tăng độ bền săm, lốp khi đi đường trường, đường đất, đá… 

1.jpg
 Xe đạp thồ - “Vũ khí đặc biệt” của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. 

“Binh chủng xe đạp thồ” biên chế thành từng đoàn theo từng địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 - 40 xe, chia thành các nhóm, mỗi nhóm từ  3 - 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao, mỗi đoàn xe đạp thồ có một xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sửa chữa đề phòng xe hỏng hóc dọc đường.

Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm mỗi xe đạp thồ chỉ chở cao nhất 100kg hàng, nhưng sau đó nâng dần lên từ 200 - 300kg...

Kỷ lục vận chuyển bằng xe đạp thồ thuộc về chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (đoàn Phú Thọ) có chuyến chở 352kg hàng. Năng suất xe đạp thồ tăng gấp 10 lần dân công gánh bộ, qua đó lượng gạo nấu ăn dọc đường cho người chuyên chở hàng cũng giảm xuống 10 lần.

Lật lại quá khứ hào hùng của dân tộc, thế hệ hậu sinh khâm phục sức sáng tạo, sự hy sinh, cống hiến cao cả của ông cha thủa trước. Thời bấy giờ, để mua được chiếc xe đạp đâu có dễ, gia đình nào “thắt lưng buộc bụng”, chắt chiu dành dụm mới có thể sắm được chiếc xe đạp và cũng là tài sản quý nhất trong nhà.

Thế mà dân ta không hề tính toán thiệt hơn, tất cả cùng chung khí phách hướng ra mặt trận. Nhà có xe đạp cũ thì sửa chữa lại, cải tiến, gia cố thành xe thồ làm phương tiện vận chuyển tiếp tế hàng cho mặt trận. 

4.jpg
Ông Trần Văn Khôi, Chính trị viên đơn vị xe thồ Thanh Hóa trân quý lưu giữ bức ảnh đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Mai Luận

Có thể nói, ngoài xe đạp thồ thì không có bất cứ loại phương tiện nào sánh được, trên địa hình hiểm trở, đường hẹp, trơn dốc, vừa phát cây san đường, chỉ cần 1m chiều rộng là xe đạp thồ có thể đi qua, lại giữ được bí mật ở mức cao nhất nhằm tránh địch phát hiện và đánh phá. 

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trận Điện Biên Phủ là sự kiện có một không hai, dân ra trận nhiều hơn quân đội; chỉ tính riêng đoàn xe đạp thồ đã có hơn 20.000 chiếc, đông hơn số quân chủ lực của ta lúc bấy giờ.

Những chiếc xe đạp thồ đã làm nên con đường vận tải huyền thoại, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Vượt qua hàng trăm tấn bom đạn được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận, nhưng chúng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy.

Hơn 2 vạn chiếc xe đạp đã được dùng để thồ lương thực và trở thành loại vũ khí đặc biệt của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và không một người Pháp nào khi đó có thể ngờ tới một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất, khi được gia cố lại đã trở thành loại phương tiện có sức chở ghê gớm đến vậy...

Những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 - 320kg, được điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni lông trải trên đất. 

2.jpg
Xe đạp thồ của ông Bùi Văn Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Phạm Đông

Những người lái xe đạp thồ trở thành nhân vật anh hùng thầm lặng trong cuộc chiến này. Họ đối mặt với thử thách đáng sợ khi phải thăng bằng qua những con đèo hiểm trở và sườn núi đá; phải luôn cảnh giác trước nguy cơ bị tấn công từ trên cao và từ dưới lòng đất. Mặc dù không được trang bị phương tiện bảo hộ hay vũ khí, nhưng họ đã mang trên mình trọng trách lớn lao, quan trọng đối với cuộc chiến của quân và dân ta tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiếc xe đạp thồ không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là biểu tượng đặc biệt của lịch sử, tinh thần đoàn kết và sáng tạo của người dân Việt Nam; đánh dấu sự kiện quan trọng trong cuộc chiến tranh và văn hóa của quốc gia và vẫn tiếp tục sống động trong tâm trí và trái tim của người dân Việt Nam ngày nay, khiến chúng ta luôn nhớ về cuộc kháng chiến oanh liệt và hào hùng không bao giờ phai mờ.

Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất thế kỷ XX mà còn là chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Và đội quân xe đạp thồ trong chiến dịch là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.

Trần Công Huyền

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5