
Quy định cụ thể các chế độ ưu đãi
Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố các sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2024, trong đó có mức trợ cấp cho người có công với cách mạng được tăng cao nhất từ trước tới nay...
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2024, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%).
Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công, thân nhân người có công theo tinh thần của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới;
Đồng thời, phù hợp với Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội về kỳ họp thứ 7 khóa XV.
Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Đến nay đã thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 1 triệu người có công với cách mạng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ;
Cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH cũng đã giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng trong xác nhận người có công, thực hiện tốt hoạt động quy tập hài cốt liệt sĩ; Đề án xác định danh tính liệt sĩ, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí bình quân 600 - 700 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng tăng lên 8,367 triệu đồng, phụ cấp ưu đãi hằng tháng 2,337 triệu đồng…
Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Đồng thời, các cơ quan cũng đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí khoảng trên 7.000 tỷ đồng.

Việc “trả nợ” này là mãi mãi
Việc “Lập ngân hàng gene liệt sĩ - Phải nhanh hơn nữa” cũng là nỗ lực lớn mà theo Bộ LĐ-TB&XH, chúng ta chạy đua cùng thời gian, bởi nếu không làm nhanh thì rất khó để có thể trả lại tên cho 53 vạn liệt sĩ.
Đi qua các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, gần 1,2 triệu liệt sỹ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Hòa bình lập lại đã lâu, nhưng đến nay vẫn còn hơn 53 vạn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó có hơn 18 vạn liệt sĩ đang nằm ở rừng sâu, ở khe lạnh, tại các chiến trường chưa được tìm kiếm, quy tập… để lại nỗi khắc khoải, mong ngóng của người thân, quê hương, đồng đội.
Qua 6 năm, ngành LĐ-TB&XH đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
"Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92 năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trăn trở.
Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH trong thời gian vừa qua đối với công tác này.
Như lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng trăm nghìn mộ liệt sĩ chưa biết tên, chưa được quy tập. Thân nhân, đồng đội luôn mong mỏi được đón các liệt sĩ trở về quê hương an nghỉ.
Về chăm lo Người có công - lĩnh vực ông tâm huyết, nỗ lực tri ân với tâm thế trách nhiệm của hậu thế với thế hệ cha anh, ông chia sẻ từ những lần thực tế xử lý các trường hợp hồ sơ người có công tồn đọng: “Biết bao câu chuyện cảm động, đẫm nước mắt diễn ra trong suốt hành trình đi tìm người thân. Có những người mẹ Việt Nam anh hùng, gần trăm tuổi, nước mắt tưởng như đã không còn để khóc, bỗng nhòe đi và rơi ướt tấm khăn bao bọc phần hài cốt của con khi đón con về…”
Tư lệnh ngành chia sẻ thêm, trong những lần ông đến thăm các mẹ Việt Nam Anh hùng, nắm tay ông mừng tủi, các mẹ đặt tất cả niềm tin vào những người đang ngày đêm âm thầm tìm kiếm để đưa các anh trở về...
Và không phải thân nhân nào cũng kiếm tìm được liệt sĩ về với gia đình, với quê hương. Các anh vẫn còn lưu lạc đâu đó trên mọi miền Tổ quốc, quạnh quẽ nơi góc rừng, chân núi xa xôi. Những lúc ấy, lặng lẽ thắp lên bàn thờ các liệt sĩ khi đến thăm gia đình, thân nhân một nén nhang, Bộ trưởng cầu chúc các anh trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình…
Việc hình thành Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ được coi là giải pháp căn cơ để giải quyết, xác định danh tính, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ.
"Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt đối với chúng ta", theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Tri ân Người có công là mệnh lệnh từ trái tim
Thời gian qua, Thủ tướng Chủ đã chỉ đạo triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng.
Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay, các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân.
Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gene, theo tư lệnh ngành LĐ-TB&XH sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
"Chúng tôi cho rằng đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài, song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Với những nỗ lực trên, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, trong những năm qua, cùng với thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, và hoàn thiện, để đáp đền những hy sinh của thế hệ cha anh cho hôm nay đất nước ngày càng thêm Xuân.
Chăm lo chu đáo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người có công Ngày 27/11/2024, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1301/QĐ-CTN về việc tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Tổng kinh phí tặng quà tết trên 506,75 tỷ đồng, tùy thuộc vào đối tượng cụ thể sẽ có hai mức quà tặng là 600.000 đồng và 300.000 đồng/người cho 1.660.924 đối tượng. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn hướng dẫn các địa phương về việc tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công với cách mạng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động bố trí ngân sách hoặc vận động nguồn lực xã hội tặng quà tết cho người có công với cách mạng, trong đó, TPHCM đã tặng quà cho 416.110 lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 460,9 tỷ đồng; Hà Nội tặng quà cho 328.530 lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 257,8 tỷ đồng; Thanh Hóa tặng quà cho 234.341 lượt đối tượng với tổng kinh phí 73,5 tỷ đồng; Quảng Ninh tặng quà cho 226.877 lượt đối tượng với tổng kinh phí 116,2 tỷ đồng… Tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ, tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công khoảng 2.745 tỷ đồng (tăng 745 tỷ đồng so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024). |