Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Điên Biên: 70 năm, ngày ấy - bây giờ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - 70 năm về trước, Điện Biên Phủ là bãi chiến trường ngổn ngang bom đạn, thấm đẫm mồ hôi và máu xương của quân, dân ta. Giờ đây, 70 năm sau ngày chiến thắng, Điện Biên hiện lên như một bức tranh đa sắc màu của sự sống, của niềm tin và khát vọng thịnh vượng.

Hồi sinh từ mảnh đất hoang tàn sau chiến tranh

Những năm đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), mảnh đất Điện Biên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, kết cấu hạ tầng bị bom đạn tàn phá, đâu đâu cũng là tàn tích chiến tranh; kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp.

Bao tang 1.jpg
Thành phố Điện Biên Phủ khoác trên mình chiếc áo mới đầy màu sắc.

Thời điểm đấy, sản xuất nông nghiệp còn thô sơ, lạc hậu, chủ yếu là độc canh, tự cấp, tự túc, đói nghèo đè nặng cuộc sống đồng bào các dân tộc. Trải qua 7 thập kỷ đi lên từ vết thương chiến tranh, tỉnh Điện Biên phát huy tiềm năng lợi thế, trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Trong nhiều năm, tỉnh Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Điện Biên đứng thứ 2 trong số 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,1%, cao hơn so với bình quân chung cả nước, xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Phát huy thế mạnh vùng đất lịch sử các di tích của chiến trường Điện Biên năm xưa như: Đồi Al, Cl, C2, Dl, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu Mường Thanh, sân bay Mường Thanh và hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch tới Điện Biên đạt 845,6 nghìn lượt, tăng 1,86 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bao tang.jpg
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm nhấn của thành phố Điện Biên Phủ.

Năm 2024, cùng với sự kiện chào mừng đại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 được tổ chức, tỉnh kỳ vọng sẽ đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng.

Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, Điện Biên chú trọng công tác xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội. 3 năm qua, có hơn 8.000 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, sửa chữa nhà; nhờ an cư lạc nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 26,03%, bình quân giảm 4%/năm; tại các huyện nghèo, huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm.

Với 85% người dân vùng nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; đường giao thông về 100% xã, đi được quanh năm; giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ thông tin truyền thông… đến với đại bộ phận nhân dân là minh chứng thuyết phục nhất cho sự phát triển, đi lên về mọi mặt của Điện Biên.

cang hang khong.jpg

Khát vọng thịnh vượng của mảnh đất lịch sử

Điện Biên Phủ xưa kia đã đổi thay từng ngày với nhiều công trình hạ tầng. Sân bay Mường Thanh năm nào giờ đã thành Cảng Hàng không Điện Biên với các chuyến bay thương mại Điện Biên - Hà Nội, TPHCM.

Ngày 2/12/2023, chiếc máy bay Airbus A321 mang số hiệu VN1802 (Hà Nội - Điện Biên) của Vietnam Airlines và chuyến bay mang số hiệu VJ298 của Vietjet Air (TPHCM - Điện Biên Phủ) lần lượt hạ cánh xuống đường băng Cảng Hàng không Điện Biên. Đây là sự kiện lịch sử, mở ra thời kỳ, cơ hội mới thúc đẩy Điện Biên phát triển mạnh mẽ.

Cùng với hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục tăng cao; thu hút đầu tư có chuyển biến rất tích cực.

Thời gian qua, tỉnh tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó phải kể đến các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn mạnh hàng đầu cả nước như: VinGroup, Sun Group, FLC Flamingo, Hải Phát... rót vốn vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, bất động sản.

Cang hang khong dien bien.jpg
Cảng Hàng không Điện Biên đón lượng lớn khách du lịch trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết: Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh xác định phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử.

Chiến lược phát triển tổng quát: “hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc” và tập trung phát triển có trọng điểm, dồn trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, gồm: Nông, lâm nghiệp; du lịch; xây dựng; thương mại - dịch vụ; công nghiệp.

Trong đó lấy nông, lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực; du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện 3 đột phá phát triển là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Điện Biên đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,51%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng, phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 5.000 tỷ đồng, khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt.

Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.

Phát triển nông, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Điện Biên là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử - văn hóa, sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập cao, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc. 

Các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là văn hóa dân tộc H'Mông, Thái được giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền.

Những ngày tháng 5 lịch sử, người dân nô nức về với mảnh đất Điện Biên và cảm nhận sự thay đổi từng ngày của mảnh đất làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến trường Điện Biên xưa đang vươn mình đổi thay, khoác lên mình “chiếc áo mới” từ diện mạo, hạ tầng đến những ngôi nhà mới khang trang nơi bản làng xa xôi.

Giai đoạn 2021-2030, Điện Biên đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,51%/năm.

Đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng, phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 5.000 tỷ đồng, khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt.

Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc…

 

Châu Anh

Báo Lao động Xã hội số 55