Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Người có công

Ký ức khó quên về Tết Độc lập ở Nam bộ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cùng với Tết Nguyên đán cổ truyền, người dân còn có thêm ngày tết nữa, đó là Tết Độc lập 2/9. Dịp này, mỗi gia đình làm mâm cơm trước là giỗ Bác, mừng ngày độc lập, sau là quây quần sum họp.

Và khi đó, trong ký ức của người Nam bộ, hình ảnh Tết Độc lập trong những năm chiến tranh lại hiện ra sống động, tự hào.

Đồng chí Phan Văn Mãi thăm tặng quà gia đình người có công với cách mạng.jpg
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM thăm, tặng quà gia đình người có công.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì ở Sài Gòn, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ cũng quyết định tổ chức cuộc mít tinh và diễu hành lớn để biểu dương lực lượng, thể hiện sự đoàn kết của toàn dân xung quanh chính quyền cách mạng.

Theo dự kiến, Đài Tiếng nói Việt Nam trực tiếp truyền thanh buổi lễ từ Hà Nội vào Sài Gòn để mọi người cùng nghe. Tuy nhiên, việc tiếp sóng không thành công do kỹ thuật phát sóng bị trục trặc. Trong tình huống cấp bách đó, đồng chí Trần Văn Giàu khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ đã nhanh chóng ứng khẩu một bài diễn văn.

Hàng triệu đồng bào Nam bộ khi đó đã thể hiện quyết tâm ủng hộ cách mạng, ủng hộ mặt trận Việt Minh, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước nhà.

Lễ Độc lập ở Sài Gòn được cử hành lúc 14 giờ, với rợp trời cờ đỏ sao vàng và băng rôn, biểu ngữ ủng hộ cách mạng. Hàng vạn người từ khắp các ngả đường đổ về cùng trang nghiêm chào cờ hát vang “Tiến quân ca”, “Quốc tế ca”, “Thanh niên hành khúc”. Trong bài diễn văn ứng khẩu của mình, ông Trần Văn Giàu tuyên bố một sự đổi thay lớn đã đến với lịch sử nước nhà bằng cuộc khởi nghĩa tháng Tám.

Ông nhấn mạnh: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa giờ đây đã tự hào là một nước độc lập, từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đang tiến bước trên đường sống”.

Ông hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị ở xứ ta không”? “Có ai bó tay để cho chế độ thực dân ra mặt hay giấu mặt, trở lại không”? Sau mỗi câu hỏi, cả dòng người lại đồng thanh: Không! Không! Không! vang dội một góc trời.

Sau bài diễn văn ứng khẩu của Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế) thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên thệ: “Cương quyết lãnh đạo đồng bào Nam bộ giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho toàn xứ Việt Nam”.

Cụ Trần Ngọc Giao.jpg
Ông Trần Ngọc Giao ở tổ dân phố Tập An Nam, phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi kể lại kỷ niệm không thể phai mờ.

Cụ Nguyễn Ngọc Huỳnh, năm nay đã hơn 90 tuổi, cán bộ lão thành ở TPHCM kể: “Năm đó, tôi 14 tuổi, nhà ở Thạnh Xuân (nay thuộc quận 12), thấy mọi người hô hào đi dự mít tinh tôi cũng ùa theo. Qua khu vực Nhà thờ Đức Bà thấy mọi người hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Nam độc lập” tôi cũng hô theo. Sau đó từ nhiều nơi lính Pháp trong các ngôi nhà bắn súng về nơi những người tham gia mít tinh, diễu hành, tôi và mọi người tản ra các phía.

Sau này tôi mới biết, hôm đó trong đoàn diễu hành có gần 50 người bị Pháp bắn chết hoặc bị thương. Phía Pháp có 5 lính bị bắn chết và khoảng 30 lính bị thương. Sau này, mỗi khi nhớ về ngày Quốc khánh 2/9 tôi vẫn thấy xúc động và tự hào. Từ sau ngày miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất đến nay, ngày 2/9 năm nào gia đình tôi cũng tổ chức ăn mừng và làm giỗ Bác Hồ”.

Vậy là đã 79 năm  kể từ ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh, đất nước đi từ trong khói lửa chiến tranh đến ngày hòa bình, non sông thống nhất. Vượt qua đau thương, đổ nát, lớp lớp các thế hệ Việt Nam đã chung tay xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.

Thế nhưng, sau ngày độc lập không bao lâu, vào ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng tại miền Nam cũng là lúc người dân Nam bộ đứng lên kháng chiến. Và đến ngày 19/12/1946 “hiệu lệnh” Toàn quốc kháng chiến được người dân hưởng ứng với quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Dù sống trong cuộc chiến cam go đuổi Pháp, chống Mỹ, nhưng vào ngày Tết Độc lập người dân miền Nam vẫn tranh thủ tổ chức với nỗi khát khao hòa bình không lúc nào nguôi.

Tại tỉnh Bạc Liêu, những người lớn tuổi đều chưa quên Lễ Độc lập đầu tiên được tỉnh tổ chức vào năm 1947, tại ấp Mỹ Điền, làng Long Điền, quận Giá Rai (nay là huyện Đông Hải). Người dân khi đó náo nức và chờ đợi thời khắc long trọng của buổi lễ vì nghe nói không chỉ có đoàn dân công trên tỉnh về mà còn có ông Lê Khắc Xương (Chủ tịch), Bùi Tuấn Đức (Phó Chủ tịch) Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh về để thông báo kháng chiến trong tỉnh, khu vực, tình hình chiến sự thế giới, chỉ thị của Chủ tịch nước.

Ông Lê Tấn Thanh, cựu tù chính trị, đến giờ vẫn không thể quên kỷ niệm về ngày Tết Độc lập trong những năm đánh Mỹ. “Tết Độc lập năm 1947 - khi ấy chú là hội viên Hội Thiếu niên Tiền Phong địa phương tham gia các hoạt động treo cờ, làm băng rôn tuyên truyền ngày Quốc khánh, truyền nhau nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập Bác đã đọc…

Dù địch vẫn rình rập càn quét các hoạt động của dân ta nhưng không thể nào dập tắt được khí thế hừng hực từ những ngọn pháo sáng tự chế trong ngày lễ đặc biệt này. Hào hứng nhất là hình ảnh thanh thiếu nhi tay cầm cờ, vừa đi vừa hát: Bác Hồ đuốc sáng toàn dân. Vui múa ca chúc thọ Bác luôn sống hoài”, ông Thanh hào hứng kể.

khinh-khi-cau-10-6198-1118.jpg
TPHCM thả khinh khí cầu chào mừng Tết Độc lập.

Còn với ông Trần Ngọc Giao ở tổ dân phố Tập An Nam, phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ  (Quảng Ngãi) thì Tết Độc lập là những ký ức tuyệt vời, sâu sắc, không bao giờ quên. Vào thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khi đó ông mới 15 tuổi và tham gia Đội văn nghệ xã Nghĩa Lộ, nay là phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi.

Ngày đó, chàng thanh niên Ngọc Giao hòa cùng dòng người cầm cờ Tổ quốc đi biểu tình, đánh trống, gõ mõ vang khắp làng trên, xóm dưới. Sau đó ông tập kết ra Bắc. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là tại Lễ kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh (2/9/1960) diễn ra ở Hà Nội, ông vinh dự được đơn vị bố trí đứng ở phía trước để được nhìn thấy Bác Hồ, trước khi trở lại miền Nam chiến đấu.

Niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng khi ông được nhìn thấy Bác. Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Ngọc Giao là Chính ủy Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5. 

Hiện trong Bảo tàng TPHCM, bức ảnh gốc chụp quang cảnh ngày mít tinh, diễu hành ngày Quốc khánh 2/9/1945 tại Sài Gòn được treo tại vị trí trang trọng. Từ bức ảnh quý báu này, Bảo tàng đã phục dựng lại không khí tưng bừng, nô nức và khí thế hừng hực của hàng triệu đồng bào Nam bộ tham gia mít tinh tại Quảng trường Dinh Norodom, nay là Dinh Độc Lập.

Theo thời gian, nhiều thứ có thể bị lãng quên, nhưng với tất cả những người dân đã từng chứng kiến mùa thu lịch sử năm 1945 thì ký ức về Tết Độc lập đầu tiên vẫn mãi vẹn nguyên.

Châu Trường Thanh

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Tin liên quan
Tết của người Việt xa xứ

Tết của người Việt xa xứ

(LĐXH) - Khi những cánh én bắt đầu chao liệng trên bầu trời cùng sắc mai vàng rực rỡ báo hiệu mùa xuân đang đến gần, lòng người Việt khắp nơi trên...
Những hành trình đậm hương xuân

Những hành trình đậm hương xuân

(LĐXH) - Dịp Tết Nguyên đán, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành thiết kế nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, xây dựng các tour đặc sắc phục vụ...
Vang lên âm thanh tết

Vang lên âm thanh tết

(LĐXH) - Chào đón năm mới Ất Tỵ 2025, các nhạc sĩ, nghệ sĩ ở khắp mọi miền tập trung sản xuất chương trình đón xuân với những khúc ca mang đến nhiều...