Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Những di tích báo chí trên vùng đất cách mạng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên, Tuyên Quang đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ lựa chọn là An toàn khu (ATK) với trung tâm Thủ đô kháng chiến là huyện Định Hóa, Sơn Dương.

Không chỉ là đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan trung ương, các huyện của Thái Nguyên, Tuyên Quang còn là nơi đặt trụ sở của cơ quan báo chí, văn hóa nghệ thuật…

Di tích gắn với người làm nghề

Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ) và Khu di tích lịch sử quốc gia nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam (xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) là những địa chỉ đỏ mà nhiều đoàn tham quan, người làm báo hôm nay không thể bỏ qua.

Hằng năm, rất nhiều đoàn của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã về tham quan, tưởng nhớ về một thời gian nan nhưng rất đỗi tự hào.

Các nhà báo tham quan Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.jpg
Các nhà báo tham quan Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Đầu 4/1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do đồng chí Đỗ Đức Dục, Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc và đồng chí Xuân Thủy làm Phó giám đốc. 

Do hoàn cảnh kháng chiến, trường chỉ tổ chức duy nhất được một khóa học ngắn hạn gồm 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước; giảng viên của lớp đều là các lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, vốn sống phong phú và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tên tuổi như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Nam Cao, Thế Lữ, Tố Hữu... 

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên là hạt nhân của báo chí cách mạng, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà.

Đầu năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tổ chức khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Tại Khu di tích lịch sử quốc gia - nơi ra đời Hội Nhà báo có gian trưng bày lịch sử ra đời báo chí cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Công trình nhà trưng bày di tích lịch sử được xây dựng khang trang, bề thế; là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với sự ra đời, phát triển và hoạt động của báo chí nước nhà và những hình ảnh về hoạt động báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Những hiện vật, tài liệu được trưng bày giúp thế hệ người làm báo hôm nay thêm hiểu hơn về các bậc tiền bối, về điều kiện sống và làm việc của họ để suy ngẫm, học tập, kế tục xứng đáng truyền thống của thế hệ cha anh. 

Theo dòng lịch sử, vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, một số cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu quốc... đã đến ở và đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (huyện Định Hóa).

Tại đây, ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội Những người viết báo Việt Nam đã được tổ chức trong ngôi nhà sàn 2 tầng, 8 mái, nơi làm việc, hội họp của Tổng hội Việt Minh. Đại hội đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch.

Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng

Đoàn tham quan Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã .jpg
Tham quan Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã.

Khu vực ATK còn có nhiều di tích của các cơ quan báo chí. Tại thôn Khuôn Nhà (còn gọi là Bản Sự Thật), xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, ngày 11/3/1951, Báo Nhân dân đã xuất bản số đầu tiên tại Nhà in Lê Hồng Phong.

Trong suốt thời gian làm việc tại đây, nhân dân các dân tộc xã Quy Kỳ, nhất là thôn Khuôn Nhà đã hết lòng chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ an toàn cho công tác xuất bản và phát hành Báo Nhân dân.

Báo Nhân dân ra đời, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các tờ báo: Thanh Niên, Tranh đấu, Cờ Giải phóng, Sự thật. Trước đó, báo Sự thật ra mỗi tháng hai kỳ, khổ nhỏ, in tại Nhà in Lê Hồng Phong, đặt tại xã Quy Kỳ. Máy nhỏ, công suất yếu, nằm sâu trong rừng, không tiện việc vận chuyển vật liệu, phát hành.

Do đó, Trung ương quyết định xây dựng một nhà in tương đối lớn (trong điều kiện kỹ thuật lạc hậu lúc ấy) dưới chân Đèo Khế, xã Văn Lãng (Đại Từ).

Tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang), Ban Biên tập Báo Nhân dân đã ở và làm việc từ tháng 9/1953 đến 7/1954.

Tại đây, Báo Nhân dân đã phát hành định kỳ các số báo phản ánh tình hình thời sự trong nước và quốc tế; đưa tiếng nói của Đảng, Chính phủ đến toàn thể cán bộ, đảng viên và chiến sĩ cả nước, góp phần đưa công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.

Mới đây, công trình nhà bia (mới) Báo Nhân dân đã được xây dựng trên diện tích 1.170m2 gồm các hạng mục: Nhà bia truyền thống; hàng rào phân khu, kè chắn đất; bia đá, lư hương đá, bàn đá; cây xanh, đất trồng cây lưu niệm và bãi đỗ xe ô tô.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định, công trình được xây dựng nhằm tiếp tục khai thác và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích ATK Kim Quan, là nơi tuyên truyền, giáo dục truyền thống ngành báo chí, tri ân các thế hệ đi trước.

Đây cũng là điểm đến cho cán bộ, công nhân, viên chức đã và đang công tác trong ngành báo chí tưởng nhớ về cội nguồn, nơi các thế hệ thời kỳ đầu kháng chiến đã làm việc, cống hiến cho sự nghiệp báo chí. 

Khu di tích Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đặt tại Đồi Khau Linh, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cuối năm 1948, Việt Nam Thông tấn xã sơ tán lên huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và đến cuối tháng 2/1952, chuyển về thôn Hoàng Lâu (xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) với mật danh T6.

Theo các tư liệu truyền thống của Việt Nam Thông tấn xã và tư liệu của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, các đồng chí lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã đã chọn đồi Khau Linh làm địa điểm đóng quân.

Toàn cơ quan có khoảng 50 người do đồng chí Hoàng Tuấn làm Giám đốc. Khu làm việc có 9 ngôi nhà: 1 ngôi nhà là nơi làm việc của Giám đốc (nằm ở lưng đồi), 1 nhà làm nơi hội họp, 1 nhà ăn (ở gần suối) và 6 nhà cho các bộ phận làm việc. Nhà làm bằng gỗ rừng, tre, nứa và lợp mái bằng lá cọ.

Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên (20/10/1950) tại xã Định Biên, huyện Định Hóa. Từ đó, ngày 20/10 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của tòa soạn. Báo Quân đội nhân dân đã lập bia ghi dấu sự kiện tại di tích và được xếp hạng di tích quốc gia.

Ngày 16/11/1953, tại bản Dõn (nay là thôn Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Báo Tiền phong ra số đầu tiên. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đoàn Thanh niên Cứu quốc (tên khi đó của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ngày nay) quyết tâm ra một tờ báo thay thế những tờ báo tiền thân lúc đó không còn xuất bản.

Đoàn báo Tiền phong tổ chức về nguồn.jpeg
Đoàn Báo Tiền phong tổ chức về nguồn.

Từ sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên cả nước, ngày 16/11/1953, Báo Tiền phong ra số đầu tiên - trở thành ngày truyền thống của báo Tiền phong.

Việc đầu tư tu bổ di tích, dựng bia, tổ chức các chuyến tham quan, về nguồn, tặng quà gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó tại ATK… thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, trân trọng và tri ân những người có công với cách mạng, nền báo chí cách mạng. Đó cũng là một trong những cách tôn vinh nghề báo.

Thảo Vũ - Thanh Hằng

Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6

Tin liên quan