Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Ninh Bình: Thấm sâu và lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - “Ninh Bình luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công, với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và mọi người”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc chia sẻ.

Toàn dân chăm sóc gia đình người có công

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tích cực vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa...

CTNB Ngọc -NCC1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc thăm hỏi, tặng quà thương, bệnh binh, người có công tại Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh.

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách thường xuyên, hàng năm, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức điều dưỡng tập trung và tại nhà cho hàng nghìn người có công, cấp thẻ BHYT cho 100% người có công và thân nhân. 

Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, trên 99% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân nơi cư trú. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương cho biết: “Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Ninh Bình có hơn 16.000 người đã anh dũng hy sinh, được công nhận là liệt sĩ; hơn 1.200 Mẹ Việt Nam anh hùng; gần 8.000 thương binh, 7.000 bệnh binh; hơn 700 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; hơn 8.900 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...

Những năm qua, Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công; thường xuyên rà soát, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người có công và thân nhân; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi”...

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc các  gia đình người có công”

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội của tỉnh Ninh Bình”.

“Thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong công tác thực hiện chính sách người có công. Phát huy vai trò của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu cơ quan trong việc tham gia giám sát thực hiện chính sách người có công...", ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo Quyết định số 408/QĐLĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ LĐ-TB&XH về giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung cao độ giải quyết chế độ cho các đối tượng mới được bổ sung chính sách với số lượng rất lớn.

Theo đó, đã tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp thường xuyên hàng tháng cho trên 22.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi, trên 12.500 người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (1 lần/năm), trên 85.000 người hưởng ưu đãi bảo hiểm y tế; trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo. 

Kinh phí chi trả hàng năm gần 530 tỷ đồng, đảm bảo an toàn, đúng đối tượng thụ hưởng; thực hiện chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe hàng năm và luân phiên 2 năm/lần cho trên 32.000 lượt người có công đảm bảo chu đáo, an toàn. 

Ngoài việc quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước, nhiều chính sách khác cũng được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện như: Miễn giảm thuế, ưu tiên giao ruộng đất, mặt nước, vay vốn để phát triển sản xuất, ưu tiên và tạo điều kiện cho con em người có công trong giáo dục, đào tạo, học nghề, việc làm...

Ninh Bình tiếp tục phát huy vai trò của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phối hợp thực hiện chính sách người có công.

Từ đó, nhiều hoạt động tiêu biểu được triển khai như: Chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, dạy nghề, tạo việc làm; đón thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, đồ gia dụng tình nghĩa; vườn cây, ao cá tình nghĩa...

“Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời hướng tới mục tiêu cụ thể là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, thời gian tới, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như: Tích cực, chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các địa phương, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. 

Tổ chức chi trả các loại trợ cấp, phụ cấp và thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi khác đối với người có công đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Đòng thời, duy trì 100% hộ chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú...”, ông Lâm Xuân Phương chia sẻ thêm.

Quách Tuấn

Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Tin liên quan