Suốt 30 năm qua, bếp ăn bà Phương giúp đỡ hàng trăm người già neo đơn, cựu thanh niên xung phong mất sức lao động và đặc biệt là những học trò nghèo hiếu học có bữa ăn đủ đầy.
Nhiều học trò người dân tộc thiểu số theo bố mẹ lên TP.HCM sinh sống cũng được bà Phương cưu mang.
Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 12 tuổi, bà Nguyễn Thị Phương trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau để bảo vệ và gìn giữ đất nước. Nhớ lại những năm tháng khó quên trong cuộc đời, bà Phương kể: “Năm 12 tuổi, tôi tham gia làm nữ du kích ở xã. Gia đình tôi là cơ sở của chiến trường Liên khu 5. Lúc đó, tôi làm công việc giúp đỡ bà con chống giặc dốt, giặc đói".
Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia du kích. Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, tôi không còn tham gia nữ du kích nữa mà được Đảng và Nhà nước, Bác Hồ cho ra miền Bắc ăn học tại trường học sinh miền Nam. Khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, tôi tham gia công tác chống giặc vào năm 1971”, bà Phương cho hay.
Làm việc trong cảnh bom đạn nhưng nữ cựu chiến binh năm xưa ấy luôn giữ được tinh thần lạc quan và yêu đời: “Hoạt động cách mạng rất vui dù bom đạn đánh lia chia. Cứ vài ngày lại có người bị thương và mất, nhưng chúng tôi vẫn không sợ”.
Có lần, bà Phương bị sập hầm khi đang hoạt động dù bụng mang dạ chửa. Bà Phương kể: “Tôi có hai người con 6 tuổi và 4 tuổi. Lúc đang làm việc thì tôi kéo được hai con theo, vừa đến nơi chui xuống hầm thì tôi bị địch bắn sập hầm. Hai con tôi cũng bị sập theo, trong bụng tôi lại còn có một đứa bé nữa. Khi được kéo ra ngoài bờ đê, tôi sinh luôn em bé. Lúc đó rất cực khổ, chồng tôi còn là một thương binh”.
Trong thời bình, bà Phương vẫn luôn muốn đóng góp sức mình vào công việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Bên cạnh bếp ăn từ thiện, bà Phương còn đặc biệt quan tâm đến những người trẻ nghiện ma túy.
Bà Phương cho biết, có nhiều cháu mới 12, 13 tuổi đã bỏ học. Tôi xin chính quyền để làm công việc cảm hóa các cháu. Khi vào đến tụ điểm ma túy, tôi thấy các cháu rất hung hăng và thậm chí đòi đánh. Nhưng khi thấy tôi – bà Phương tới thì các cháu không dám.
"Thấy các cháu không có tiền khám sức khỏe và làm hồ sơ để đi cai nghiện, tôi sẽ là người đứng ra làm hồ sơ cho các cháu. 109 cháu đi cai nghiên ma túy là có đầy đủ 109 quyết định của chính quyền ký”, bà Phương cười hiền hậu.
Về hoạt động bếp ăn từ thiện, bà Phương cho biết bếp ăn ra đời khi bà chứng kiến cảnh nhiều trẻ em bỏ học đi lang thang và nhiều cụ già không nơi nương tựa.
Hàng ngày, bà cùng hai cộng sự của mình nấu hàng trăm suất ăn để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh. Hoạt động này đã và đang được duy trì trong suốt 30 năm qua.
Pha Lê
.