Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Trình Chính phủ dự thảo Nghị định tăng trợ cấp người có công trong tháng 6

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Bộ LĐ-TB&XH dự kiến, trong tháng 6 này sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Từ ngày 1/7, chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công sẽ được điều chỉnh mức cao nhất trong các chính sách xã hội.

Thông tin trên được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội vừa diễn ra ngày 14/6.

người có công.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà người có công tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình. (Ảnh: Tống Giáp).

 

Bộ LĐ-TB&XH dự kiến trong tháng 6/2024 trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đối với chính sách người có công sẽ thực hiện đúng phương châm thể hiện trong Pháp lệnh người có công là “người có công được hưởng trợ cấp cao hơn bình thường”. 

Theo tinh thần đó, mức trợ cấp người có công sẽ cao hơn một bậc so với mức cải cách tiền lương. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất với Chính phủ từ 1/7/2024 tăng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cao hơn hẳn so với quy định hiện hành.

Hiện nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.055.000 đồng, theo quy định tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP. Mức chuẩn này làm căn cứ để tính hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Nhóm thứ nhất là người có công với cách mạng, gồm người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng tám năm 1945; liệt sĩ; bà mẹ Việt Nam Anh hùng;

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... 

Nhóm đối tượng thứ hai là thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ. 

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, các đơn vị liên quan cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. 

Bộ trưởng xác định, các đơn vị cần khẩn trương hoàn thành toàn bộ sản phẩm giám định ADN danh tính hài cốt liệt sĩ. 

Thêm vào đó, xây dựng phương án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để thân nhân liệt sỹ được giám định gen và giám định gen tất cả mộ liệt sỹ còn hài cốt, hướng tới hình thành ngân hàng ADN, trên tinh thần “làm một lần để cho các thế hệ sau”.

Liên quan đến lĩnh vực người có công, 5 tháng đầu năm 2024, Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 133 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 4.400 Bằng Tổ quốc ghi công; cấp trích lục 69 hồ sơ liệt sĩ; tra cứu hơn 4.300 bộ hồ sơ; thực hiện tiếp nhận 453 mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó nêu rõ:

 

Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII;

 

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

 

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH trong tháng 5/2024 xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.