Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động

(Dân sinh) - Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Phải coi việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động”.

Năm 2025, kinh tế số phải chiếm 20% GDP

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết số 52-NQ/TW ra đời được đánh giá hết sức đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh và thể hiện khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

"Cuộc Cách mạng này mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội đất nước", ông Bình nhận định.

Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự diễn đàn thúc đẩy ngành công nghiệp 100 tỷ USD.

Thời gian qua, nước ta đã đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn hạn chế… Do đó, Bộ Chính trị khẳng định chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là tất yếu khách quan. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải coi việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân.

Cụ thể đến năm 2025, Việt Nam phải xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam. Đến năm 2030 sẽ có mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng chính phủ số và hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Trung, Nam.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động - Ảnh 2.

Chính phủ quyết tâm phát triển mạnh kinh tế số dựa trên khoa học và công nghệ.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8 - 18 tỷ USD/năm

Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8 - 18 tỷ USD/năm.

"Tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở mức trung bình thấp song Việt Nam cũng có những lợi thế như: Tỷ lệ người dùng công nghệ thông tin cao, các doanh nghiệp đi đầu về công nghệ thông tin của Việt Nam có trình độ phát triển không thấp hơn mức trung bình của thế giới; mức độ hội nhập quốc tế cao. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), do đó Việt Nam có độ mở rất lớn trong nỗ lực nắm bắt Cách mạng Công nghiệp 4.0. Một lợi thế khác phải kể đến là Chính phủ quan tâm đặc biệt tới cuộc CMCNCách mạng Công nghiệp 4.0", ông Dũng nhận định.

Cơ hội, lợi thế là vậy nhưng Việt Nam cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Trước tiên phải kể đến trình độ lao động Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là lao động có trình độ tay nghề thấp. So với các nước trong khu vực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam thấp hơn nhiều. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 4,4% Singapore, 17,4% Malaysia, 35,2% Thái Lan, 48,5% Philippines (năm 2015). Vì vậy, nguy cơ mất việc làm do áp dụng những tiến bộ của tự động hóa ở Việt Nam sẽ rất cao. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 70% số việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông (da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản, dịch vụ bán lẻ…) và 86% trong ngành dệt may có rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc và thiết bị hiện đại trong thập niên 2017 - 2027.

Đáng lưu ý, năng lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ lao động Việt Nam cũng ở mức thấp. Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 năm 2018 (GCI 4.0 2018), Việt Nam xếp 77/140 quốc gia nhưng ở trụ cột "Năng lực sáng tạo", Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm. Điều đó cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ lao động Việt Nam hạn chế, trong khi đây lại là yếu tố quyết định trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Phát biểu trong phiên tọa đàm bàn tròn cấp cao tại Phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 (tháng 10/2019) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 52 nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã được Chính phủ  triển khai. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngoài những đề án, dự án cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.