Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

“Chim sẻ” hay “đại bàng” đều đặc biệt quan tâm nhân lực chất lượng cao

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Thời gian tới, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Hưng Yên sẽ phát triển nhanh, cần lưu ý nguồn nhân lực, bởi các nhà đầu tư dù “chim sẻ” hay “đại bàng” đều đặc biệt quan tâm nhân lực chất lượng cao.

Ngày 18/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh.

“Chim sẻ” hay “đại bàng” đều đặc biệt quan tâm nhân lực chất lượng cao - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao tốc độ tăng trưởng KT-XH của tỉnh Hưng Yên, và công tác an sinh xã hội của tỉnh thời gian qua (Ảnh: Tống Giáp).

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn nhấn mạnh, cùng với việc phát triển về kinh tế - xã hội, việc thực hiện chế độ ưu đãi, chăm sóc người có công và công tác đền ơn đáp nghĩa được tổ chức thực hiện kịp thời, toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành căn cứ vào ý kiến đóng góp của các đại biểu, khẩn trương tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế trong thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động.

Đồng thời đề nghị Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đầu tư một số công trình nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo trợ xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

“Chim sẻ” hay “đại bàng” đều đặc biệt quan tâm nhân lực chất lượng cao - 2
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn chia sẻ về định hướng phát triển của Hưng Yên (Ảnh: Tống Giáp).

Hưng Yên đã có những chính sách đi đầu, vượt trội

Tại buổi làm việc, ghi nhận những kết quả trong công tác thực hiện cơ chế chính sách của tỉnh về ưu đãi người có công với cách mạng, công tác an sinh xã hội, giải quyết lao động việc làm… tỉnh đạt được thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  nhìn nhận, Hưng Yên đã có những chính sách đi đầu, vượt trội.

Để minh chứng, Bộ trưởng nhắc lại cách đây 3 năm khi ông về Hưng Yên dự ngày kỷ niệm ngày Người cao tuổi, khi đó Hưng Yên còn khoảng hơn 5% người cao tuổi chưa có BHYT. 

“Bấy giờ tôi nói các đồng chí nên quan tâm giải quyết dứt điểm chuyện này, và trợ cấp xã hội phải 75 tuổi trở xuống thì nay tỉnh đã thực hiện hết tất cả các chính sách này”, ông nói và không quên điểm thêm những kết quả đáng mừng nữa của tỉnh Hưng Yên thời gian qua.

Đó là đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là 70% - đây là con số tương đối cao so với bình quân cả nước; rồi thực hiện trợ cấp cho trên 64 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 0,5%, như vậy có thể nói, tỉnh về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.

“Trong quan hệ lao động, cơ bản tình hình ổn định, không xảy ra các trường hợp tranh chấp bức xúc. Chính sách người có công đã thực tốt, hài hòa”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận.

Thời gian tới, theo Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Hưng Yên sẽ phát triển nhanh, tuy nhiên cần lưu ý về chất lượng nguồn nhân lực, bởi các nhà đầu tư dù “chim sẻ” hay “đại bàng” đều đặc biệt quan tâm về hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Chim sẻ” hay “đại bàng” đều đặc biệt quan tâm nhân lực chất lượng cao - 3
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Tống Giáp).

Và với sự phát triển nhanh, Bộ trưởng nhìn nhận, Hưng Yên sẽ thiếu nhân lực vì thế ông tiếp tục nhấn mạnh việc tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, song song đó, tỉnh cũng phải “hút” nhân sự giỏi từ các nơi khác mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. 

“Hòa cùng mục tiêu cả nước đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, chip, hydrogen, Hưng Yên cần có kế hoạch đào tạo cụ thể, đầu tư cho các trường đại học, trường cao đẳng. Lãnh đạo Bộ đồng ý việc sắp xếp lại các trường cao đẳng thành trường cao đẳng chất lượng cao để cung ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển của tỉnh”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tỉnh rà soát các trường hợp liệt sĩ chưa được cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" 

Về lĩnh vực người có công, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh cần rà soát ngay 218 trường hợp hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách trình cấp Bằng Tổ quốc ghi công đúng quy định pháp luật, phải xong trước ngày 31/12/2024; khẩn trương báo cáo Bộ LĐ-TB&XH xem xét, giải quyết.

Ông giao Cục Người có công, Sở LĐ-TB&XH thành lập tổ công tác phối hợp giải quyết, trường hợp không đủ điều kiện thì trả lời dứt điểm, thấu tình đạt lý. Đối với một số đối tượng chất độc hóa học, khi có tình tiết mới, đúng quy định thì xem xét giải quyết xác nhận ngay để họ tiếp tục hưởng chính sách.

“Chim sẻ” hay “đại bàng” đều đặc biệt quan tâm nhân lực chất lượng cao - 4
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Tống Giáp).

Với công tác chăm lo cho người có công, Bộ trưởng chia sẻ thêm, có nhiều khó khăn để giải quyết, nhưng với cái tâm của mình, người làm chính sách kiên trì, công khai làm, không quản khó khăn. 

Ông đơn cử vừa rồi, xử lý gần 7 nghìn hồ sơ tồn đọng, tưởng như không thể xử lý nổi, cũ mốc trong ngăn kéo của các sở, tỉnh… đa phần là những trường hợp hi sinh từ thời chống Pháp, từ năm 1931, nhưng với quyết tâm đem lại chế độ cho người có công, tìm tòi được chúng cứ, hồ sơ để kết luận là liệt sĩ.

Nhờ đó, vừa qua, đã giải quyết được 2.600 trường hợp hồ sơ người có công tồn đọng để công nhận liệt sĩ, và 2.400 trường hợp được xác định thương binh. 

Với tất cả tinh thần của hậu thế đối với cha anh, Bộ trưởng chân thành chia sẻ, mình kiên trì, công khai làm. Để làm hồ sơ người có công tồn đọng có lúc phải đi 4 quân khu, 7 tỉnh mới tìm được chứng cứ để “trả lại tên cho anh”. “Kiên trì lắm”, ông nói. 

Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: Tỉnh cần chuyển đối tượng hộ nghèo không còn khả năng lao động sang hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Việc Hưng Yên nỗ lực giảm còn 0,5% hộ nghèo vào cuối năm 2025, Bộ trưởng đề xuất tỉnh phấn đấu là 1 trong 10 địa phương toàn quốc không còn hộ nghèo.

Hiện tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc của Hưng Yên mới đạt 43%, trong khi mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh là 47%. Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về phát triển lĩnh vực này, kể cả BHXH bắt buộc và mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. 

"Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách BHXH, chú trọng cải cách hồ sơ, thủ tục để tạo thuận lợi cho người lao động tham gia”, ông nhấn mạnh, bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng tới vấn đề quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội cho người lao động; quan tâm tới lĩnh vực trẻ em, chuyển đổi số…

Về một số đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng lưu ý, Sở LĐ-TB&XH sớm có phương án cụ thể về các hạng mục đầu tư, nâng cấp Trung tâm điều dưỡng người có công và phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ xem xét đầu tư hỗ trợ.

Về việc xây dựng Cơ sở cai nghiện ma túy có quy mô tiếp nhận 1.000 học viên, Bộ trưởng giao Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với địa phương xem xét hỗ trợ đầu tư trong giai đoạn tới...