Theo đó, hai bên hợp tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề trình độ Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp dành cho đối tượng tốt nghiệp THPT, THCS tại Trường Đại học Xây dựng Miền Trung từ năm 2020 với các ngành nghề như sau: Kỹ thuật xây dựng; Thiết kế nội thất; Kế toán doanh nghiệp; Tin học ứng dụng; Thiết kế đồ họa; Cấp thoát nước; Điện- nước; Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn và một số ngành nghề khác mà xã hội có nhu cầu và các bên có đủ điều kiện đào tạo.
Phát biểu tại Lễ ký kết hợp tác đào tạo, TS. Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ nghệ II cho biết: "Ký kết toàn diện với trường Đại học Xây dựng Miền Trung sẽ tập trung triển khai các nội dung: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển tại địa phương; Phối hợp với trường Đại học Xây dựng phân luồng mạnh mẽ các em học sinh vào học nghề, tạo mọi thuận lợi để người hoc tiếp cận các chương trình tiên tiến của hai trường; Chia sẻ các nguồn lực giữa hai trường thúc đẩy hai trường cùng phát triển.
Kết quả ký kết ngày hôm nay là sự hợp tác chặt chẽ giữa hai trường, dựa vào kết quả khảo sát nhu cầu địa bàn tỉnh Phú Yên cho thấy có những nghề có nhu cầu của doanh nghiệp cao, gồm: logistics, du lịch, khách sạn, điện nước và xây dựng. Đây là những nghề có nhu cầu cao, cũng là thế mạnh của trường. Tập trung phối hợp đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, nhà trường cũng đã đào tạo cho tỉnh Phú Yên trên 250 học sinh, gồm các nghề kỹ thuật chế biến món ăn, điện lạnh. Trên cơ sở đó tôi hy vọng hợp tác hai trường sẽ thành công".
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II được xây dựng và phát triển trên cơ sở của Trung tâm huấn nghệ Thủ Đức. Sau 1975, trung tâm là một bộ phận của Viện phục hồi chức năng và sau đó đổi tên thành Trường dạy nghề Thủ Đức. Ngày 4/12/1976, Trường dạy nghề Thủ Đức tách khỏi Trung tâm phục hồi chức năng lao động TP. Hồ Chí Minh trở thành một đơn vị sự nghiệp đào tạo độc lập. Ngày 17/7/1978, Trường đổi tên thành Trường dạy nghề Thương binh Thủ Đức với nhiệm vụ trọng tâm là dạy nghề cho thương, bệnh binh trên phạm vi cả nước. Ngày 10/3/1993, trường lại được đổi tên thành Trường dạy nghề Người tàn tật Trung ương II và ngày 14/8/2001, trường đổi tên thành Trường Kỹ nghệ II.
Để đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho xã hội cũng như đáp ứng số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, ngày 31/1/2007, nâng cấp Trường Kỹ nghệ II thành Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Đến ngày 28/11/2016, trường chính thức mang tên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, đây cũng là thời điểm trường bắt đầu thực hiện quản trị nhà trường theo cơ chế tự chủ.
Trao đổi với phóng viên báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh), TS. Bùi Văn Hưng cho biết thêm, Chất lượng đào tạo các ngành nghề của Trường được nâng lên khi thực hiện tự chủ, học sinh, sinh viên ra trường được đảm bảo việc làm, tỷ lệ việc làm của học sinh sau khi tốt nghiệp cao hơn khi chưa tự chủ, cụ thể: việc làm sau khi tốt nghiệp khi chưa tự chủ là 80% học sinh có việc làm, 10% học sinh tự tạo việc làm. Việc làm sau khi tự chủ được nâng lên là 92% học sinh có việc làm, 7% học sinh tự tạo việc làm...