Để chuẩn bị sự kiện này, sáng nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH và Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao đã có buổi làm việc để bàn bạc cụ thể những nội dung liên quan tới công tác tổ chức Hội thảo.
Theo dự kiến chương trình tổ chức, Hội thảo sẽ có sự tham gia của 60 đến 80 đại biểu dự tập trung và gần 500 đại biểu dự trực tuyến bao gồm các Bộ ngành, cơ quan trung ương: Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, TW Đoàn TNCS Hổ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam; đại sứ quán tại Việt Nam của các nướ Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc; đại diện Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; các diễn giả đến từ WorldBank, Ngân hàng phát triển Châu Á, UNESCO; ILO, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức –GIZ, doanh nghiệp FDI về công nghệ cao và đại diện một số tổ chức quốc tế đa phương, các sở LĐTBXH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đội ngũ chuyên gia Việt Nam tham dự kỳ thi kỹ năng nghề các cấp; đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Điểm nhấn của Hội thảo được thể hiện qua các báo cáo nghiên cứu, báo cáo tham luận liên quan đến phát triển kỹ năng và thị trường lao động, đặc biệt tập trung vào các kỹ năng nền tảng, kỹ năng cơ bản giúp người lao động nâng cao trình độ kỹ năng lao động, nâng cao sức đề kháng, thích nghi và khai thác tốt những thay đổi về công nghệ mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh Covid 19 và thế giới việc làm thay đổi. Kỹ năng cơ bản, nền tảng (Core Skills, Foundation Skills) là những kỹ năng không thể hình thành một sớm, một chiều mà cần phải trải qua quá trình trải nghiệm, được đào tạo và rèn luyện, bởi vậy nó tạo ra sự khác biệt, hình thành văn hóa nghề nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động của doanh nghiệp và lực lượng lao động. Bên cạnh đó, Hội thảo được nghe những chia sẻ kinh nghiệm của nhiều mô hình phát triển kỹ năng nghề tiên tiến trong khu vực và thế giới. Những báo cáo nghiên cứu, tham luận và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đó sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam theo sự phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021.
Dự kiến tại Hội thảo, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Lãnh đạo Tổng cục GDNN sẽ trao bằng khen cho các thí sinh đạt huy chương Vàng nghề Cơ điện tử tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Châu Á- Thái Bình Dương và công bố quyết định bổ nhiệm 10 đại sứ kỹ năng nghề mới.