Theo thống kê, rà soát của các sở, ngành chức năng, Thanh Hóa hiện có hơn 39.000 công dân đang cư trú, lao động, học tập, thăm thân tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; gần 30.000 người đang đi làm việc tại nước ngoài.
Riêng từ năm 2023 trở lại đây, đã có 16.006 trường hợp đi làm việc ở nước ngoài, tập trung tại một số thị trường, như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Đã có tổng hơn 4.500 trường hợp công dân cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài bị bắt, trao trả, bị đuổi về nước; 36 trường hợp bị nước sở tại bắt giữ, đưa ra xét xử hình sự về các tội nhập cảnh trái phép.

Những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, xử lý nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức cho người khác trốn ở lại nước ngoài thông qua con đường du lịch; môi giới đi làm việc ở nước ngoài; lấy danh nghĩa lãnh đạo doanh nghiệp đi theo đoàn công tác thăm, làm việc tại nước ngoài...
Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng những kẽ hở trong chính sách miễn thị thực; chính sách visa tiên tiến; đơn giản trong thủ tục xuất cảnh, làm giấy tờ giữa Việt Nam và các nước có biên giới giáp nhau.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, những hệ lụy khi đi lao động trái phép ở nước ngoài là rất khó lường, nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt khi đặt chân đến “miền đất hứa”.
Em H.V.S. (16 tuổi), ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) dù đang học tại một trường cao đẳng, nhưng nghe theo lời rủ rê của bạn bè, đã bỏ học rồi xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc.
Khi sang đến nơi, thay vì có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, S. đã bị lừa vào một cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị ép lừa đảo. Biết con sang Campuchia đi lao động trái phép, bố mẹ S. đã vay mượn khắp nơi để đưa con về nước. Tuy nhiên, S. sau đó phải làm việc gần một năm không lương, và gia đình phải gửi hơn 120 triệu đồng tiền chuộc về.
Giữa năm 2023, anh N.V.B. ở xã Quảng Thạch, Quảng Xương vừa sang Trung Quốc đã bị lực lượng chức năng sở tại bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép.
Ngoài việc bị giam giữ, gia đình anh B. còn phải gửi sang nộp phạt 35 triệu đồng và hiện anh B. bị bắt giam chờ ngày đưa ra xét xử.
Cơ quan chức năng dự báo trong thời gian tới, hoạt động lợi dụng du lịch, thăm thân... để xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp có nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng tại một số thị trường, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc...
Việc người lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như bị nợ, quỵt lương, bóc lột sức lao động; làm việc trong môi trường độc hại, phải sống chui lủi để trốn tránh các cơ quan chức năng của nước sở tại, thậm chí có người phải trả giá đắt bằng tính mạng.
Và cũng chính họ tự tước đi quyền được Nhà nước Việt Nam bảo hộ cả về nhân quyền, nhân phẩm, tài sản, sức khỏe, tính mạng...
Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung với các nước, dẫn đến việc điều chỉnh các chính sách đối với Việt Nam trên lĩnh vực du lịch và trong việc tiếp nhận lao động.
Thực tế, có thời điểm tỉnh Thanh Hoá có tới 5 huyện, thành phố bị tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc).
Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp công tác để phòng ngừa, đấu tranh đối với các hoạt động xuất cảnh trái phép, nhằm hạn chế thấp nhất phát sinh trường hợp đi mới.
Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng du lịch để tổ chức cho khách trốn ở lại nước ngoài, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, trưởng công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền;
Yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan trong việc kinh doanh đưa khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến du khách về các quy định pháp luật của Việt Nam và nước sở tại; cảnh báo, nâng cao nhận thức của khách du lịch về hậu quả của việc xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp;
Kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng đường du lịch để môi giới, tổ chức cho người khác trốn ở lại nước ngoài lao động trái phép.