Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lên đến 100 triệu đồng/người. Đây là chính sách nhân văn, nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho những trường hợp chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, vượt qua mặc cảm để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trao cơ hội cho những người lầm lỡ

Anh Lò Văn Hoa (SN 1973) bản Nặm Ngùa, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là một trong những hộ khó khăn của bản. Gia đình anh có mẹ già và 3 đứa con dù đã xây dựng gia đình riêng nhưng vẫn sống chung cùng bố mẹ.
Trong những ngày tháng khó khăn, do nghe theo lời dụ dỗ của đám người xấu, anh đã phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy. Tháng 9/2021, Lò Văn Hoa bị bắt và kết án 2 năm tù.
Những ngày trong tù, Hoa mới thấm thía cái giá phải trả cho sai lầm của bản thân. Anh đã cố gắng cải tạo, chấp hành tốt nội quy, quy định của Trại giam và đã được giảm án 5 tháng. Năm 2023, Hoa được trở về với gia đình.
Đầu năm 2024, anh Lò Văn Hoa nằm trong diện tiếp cận nguồn vốn theo Quyết định 22. Anh được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Anh Hoa đã đầu tư mua 5 con bò giống, mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ và trồng 2ha sắn.
Sau gần 1 năm, đàn bò của gia đình anh hiện đã có 9 con, cửa hàng tạp hóa thường xuyên có khách đến mua hàng và 2ha sắn đang đến kỳ thu hoạch, dự kiến thu khoảng 30 tấn trị giá gần 60 triệu đồng.
Anh Hoa chia sẻ: “Hiện cuộc sống của gia đình tôi đã tương đối ổn định, đàn bò đang phát triển tốt, nương sắn cũng cho thu hoạch. Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều”.
Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vốn là địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy với những chuyến hàng “khủng” mà các đối tượng mua bán, vận chuyển từ khu vực biên giới vào địa bàn huyện rồi mang đi các tỉnh dưới xuôi tiêu thụ.
Cuốn theo vòng xoáy ấy, Hà Văn Hưng (SN 1977) ở bản Hương Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu vì muốn giàu nhanh mà không phải lao động vất vả, đã tham gia mua bán trái phép chất ma túy.
Năm 2012, Hưng bị bắt về hành vi mua bán trái phép 5kg thuốc phiện, bị kết án 18 năm tù. Với Hà Văn Hưng, cuộc đời gần như khép lại. Những ngày tháng trong trại giam, Hưng cải tạo và chấp hành tốt nội quy của Trại giam, sau khi chấp hành án 11 năm. Năm 2023, Hưng được trở về với gia đình.
Đang trong lúc khó khăn chưa biết xoay xở ra sao thì có Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, thông qua các tổ chức chính trị xã hội, Hưng được vay 100 triệu đồng để tái tạo đồi chè, trồng xen cây ăn quả với tổng diện tích 3ha. Sau gần 1 năm, diện tích cây chè, cây ăn quả phát triển tốt, dự kiến năm nay thu khoảng 3 tấn chè và thu hoạch cây ăn quả, trị giá hơn 50 triệu đồng.
“Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội vươn lên, làm lại cuộc đời, sống có ý nghĩa hơn”, anh Hưng bày tỏ.
Nằm trong vòng xoáy của “cái chết trắng”, Bùi Minh Hảo (SN 1989) ở Tiểu khu 6, thị trấn Mộc Châu cũng không tránh khỏi vòng lao lý khi tham gia mua bán trái phép chất ma túy và bị kết án 7 năm tù giam. Chấp hành án được gần 5 năm, Hảo được giảm án trước thời hạn.
Trở về gia đình, anh được cấp ủy, chính quyền quan tâm, động viên, giúp xốc lại tinh thần, quyết tâm làm lại cuộc đời. Hảo chia sẻ: “Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của huyện Mộc Châu đang trên đà phát triển về du lịch, khi được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng theo Quyết định 22, tôi đã huy động thêm vốn của người thân, tận dụng đất của gia đình để xây dựng homestay phục vụ khách du lịch và lưu trú.
Đồng thời tôi cũng mở thêm dịch vụ tư vấn tour, thuê xe du lịch, trừ chi phí mỗi tháng thu nhập trên 40 triệu đồng, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với số tiền thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng. Bây giờ tôi cố gắng sống tốt, nỗ lực phát triển kinh tế và giúp đỡ cho nhiều người khác”.
Chính sách nhân văn
Quyết định 22 là một chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của những người đã từng lầm lỡ và mong muốn tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.
Theo đó, đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù, bao gồm người chấp hành xong thời hạn và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá theo quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để đào tạo nghề, mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù và 2 tỷ đồng/dự án, không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La cho biết: “Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của lực lượng Công an, NHCSXH tỉnh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đến nay, toàn tỉnh đã có 132 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền hơn 11,8 tỷ đồng, trong đó đã 10 trường hợp trả hết nợ với số tiền 802 triệu đồng.
Mặc dù mức vay không cao nhưng quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi thấy những người được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả. Nhiều người đã trả nợ xong và gửi được tiết kiệm, mở rộng quy mô phát triển kinh tế”.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng C11 (Bộ Công an) nhấn mạnh, Quyết định số 22 là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi để họ tái hoà nhập cộng đồng.
Thực hiện tốt quyết định này sẽ góp phần khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù để họ có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống, xoá bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo, phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của những người đã từng lầm lỡ và mong muốn tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống. Theo đó, đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù, bao gồm người chấp hành xong thời hạn và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá theo quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Đến nay, đã có 60 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh tham mưu triển khai cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương với số tiền là 248,3 tỷ đồng. Trong đó, có 53 chi nhánh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển riêng nguồn vốn để cho vay người chấp hành xong án phạt tù với số tiền 205,3 tỷ đồng. |
Minh Phong - Minh Phượng
Báo Lao động và Xã hội số 26