Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Năng suất lao động của Việt Nam thấp so với khu vực

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Những năm qua, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam liên tục tăng, đạt 4,8% vào năm 2022 và 3,65% vào năm 2023. Bình quân giai đoạn 2011 - 2020, mỗi năm tốc độ tăng NSLĐ đạt 5,29%, góp phần quan trọng tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, mức tăng này chưa đạt yêu cầu và vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực.

TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy NSLĐ của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua tương đương (PPP) là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia…

DN Đồng Nai.jpg
Năng suất lao động của Việt Nam dù được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. (Ảnh minh họa)

Theo TS Nguyễn Tú Anh, nếu nhìn con số này thì NSLĐ của chúng ta thấp, do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế. 

Đáng lưu ý, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn quá thấp.

Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, nên NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước và 28,5% khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

“Trong giai đoạn 2018 - 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm.

Những ngành có NSLĐ cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp trong tổng lao động, các ngành này chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm. Vì vậy, chúng ta thấy rằng có một dư địa rất lớn để dịch chuyển lao động từ khu vực NSLĐ thấp hơn sang khu vực NSLĐ cao hơn để tăng NSLĐ”, TS Nguyễn Tú Anh nói.

Bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng, có hai yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực và công nghệ; trong đó, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định việc thúc đẩy, nâng cao NSLĐ.

Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng NSLĐ và trao cơ hội phát triển cho người lao động…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, NSLĐ là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.

“Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ tăng NSLĐ thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị tuyệt đối, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực; khoảng cách về NSLĐ và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn…”, Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tăng NSLĐ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng NSLĐ, trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn;

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hoá nông nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng NSLĐ;

Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động; chú trọng thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể;

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc; đổi mới công tác khen thưởng, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng NSLĐ.

Thủ tướng cũng yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tăng NSLĐ, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động;

Chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt.

Hà Châu

Báo Lao động Xã hội số 64

Tin liên quan