Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin - cho để chống tham nhũng, ngừa sai phạm

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật; đặc biệt nhấn mạnh cần loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm.

thu tuong pmc.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

 

Ngày 27/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024. Tại phiên họp, Chính phủ xem xét cho ý kiến, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Cụ thể, 6 dự án luật được thảo luận gồm: Luật Phòng không nhân dân; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

4 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Hàm, cấp ngoại giao; Luật Hàng không (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số.

Chính phủ cũng xem xét, cho ý kiến về đề nghị về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Sau khi lắng nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, các ý kiến thảo luận, Thủ tướng đã cho ý kiến kết luận với từng nội dung và giao nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thủ tướng cho rằng thuốc là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách quản lý đặc biệt, song cần thông thoáng.

Vấn đề này được xây dựng trên cơ sở loại bỏ cơ chế xin - cho, tuân thủ quy luật thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, dược liệu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường công nhận đánh giá sự phù hợp từ các nước tiên tiến.

Thủ tướng cũng lưu ý chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dược.

thu tuong 2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật (Ảnh: Nhật Bắc) 

 

Với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), theo Thủ tướng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia về quy định liên quan kinh doanh bảo vật trên cơ sở quản lý bằng công cụ thuế.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần khuyến khích và có chính sách quản lý hoạt động của bảo tàng tư nhân; các quy định của luật này không chồng chéo với Luật Lưu trữ.

Khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển

Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Các Phó Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án, đề án theo phân công; trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Về chuẩn bị đề nghị Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh 2024, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trình các đề nghị xây dựng luật để trình Chính phủ xem xét, thông qua; tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội.

Với việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, số lượng các dự án luật rất lớn, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề.

Ông đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.

Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật, Thủ tướng lưu ý thiết kế chính sách, quy định và diễn đạt bảo đảm rõ ý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; chú trọng lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp, người dân.

Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau thì thiết kế các phương án cụ thể, nêu rõ quan điểm để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng đặc biệt quán triệt yêu cầu loại bỏ cơ chế xin - cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm; cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Đi cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.