Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng yêu cầu dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngay trong tuần này.

Văn phòng Chính phủ sắp xếp lịch cho các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực họp với các bộ, ngành theo kế  hoạch Thủ tướng đã phân công.

Tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực không dồi dào, thời gian có hạn, phải chọn thứ tự ưu tiên cho công việc, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Đề cập kết quả thu ngân sách tăng trong khi vẫn miễn giảm thuế phí, Thủ tướng lưu ý bài học phải “cởi trói” để mở rộng cho sản xuất, kinh doanh, khi sản xuất, kinh doanh bung ra thì nguồn thu sẽ tăng.

Do đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, phải mạnh dạn xây dựng, triển khai các chính sách với quan điểm nhìn xa, trông rộng, nghĩ lớn, làm lớn, hiệu quả tổng thể. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong - 1
Thủ tướng lưu ý tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với tinh thần: "Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả".

Về công việc từ nay đến cuối năm và đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết chúng ta phải làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm: Thứ nhất là tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024;

Thứ hai là tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Thứ ba là tiến hành tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025. 

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%, cả năm 2024 đạt trên 7%; giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số.

Chỉ rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”; tạo sự thống nhất trong nội bộ, trong tư tưởng, thực hiện tốt kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; các bộ, ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong…

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm ổn định thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Kiên quyết bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng.

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia; hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển…

Sẽ có chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức dôi dư sau tinh gọn bộ máy

Liên quan đến chủ trương, hướng xử lý liên quan đến chế độ đối với cán bộ thuộc diện tinh giản biên chế trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đang được thực hiện, tại buổi họp báo Chính phủ vào chiều cùng ngày, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ đang thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết cho cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước.

Theo đó, để có cơ sở tiến hành việc sắp xếp các tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như chỉ đạo của Trung ương, Ban chỉ đạo sắp xếp Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở tiến hành sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức sau khi tiến hành sắp xếp.

“Đây là một chính sách, vấn đề nhạy cảm, phức tạp và tác động lớn đến xã hội, đòi hỏi phải làm rất nhanh.

Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định này, khẩn trương tiến hành đánh giá tác động, nghiên cứu sâu, nhiều chiều, kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành.

Bảo đảm có cơ chế, chính sách phù hợp giải quyết cho cán bộ, công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang khu vực khác, không làm trong cơ quan nhà nước nữa”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, đồng thời phải có cơ chế giữ chân người tài, bảo đảm nguyên tắc xây dựng nền công vụ theo nguyên tắc nền tảng: Giữ chân người tài trong nền công vụ và thu hút người tài năng trong nước và quốc tế vào nền công vụ.

Chính sách ở đây phải đặt vấn đề rất căn cơ, bao trùm, bảo đảm đánh giá đúng tác động để có cơ sở chính trị và pháp lý thực hiện việc sắp xếp.

“Đây là vấn đề rất lớn nên để thực hiện, Bộ Nội vụ đang tiến hành theo quy trình. Chúng tôi đang xây dựng dự thảo, sau đó xin ý kiến Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp.

Sau khi có ý kiến của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Chính phủ, sẽ trình xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, chúng tôi trình Chính phủ cho phép thông qua theo quy trình rút gọn để có chính sách thực hiện ngay sau khi đồng bộ với các đề án sắp xếp.

Bộ Nội vụ tập trung làm ngày làm đêm cùng với các bộ, ngành xây dựng phương án sắp xếp, với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cũng cho biết, Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH đã thống nhất xong phương án, giờ chỉ xin ý kiến Ban chỉ đạo của Chính phủ, sau đó tiến hành các phương án sắp xếp sau khi xây dựng, từ công tác thống kê tài sản, thống kê đội ngũ, xây dựng các phương án sau khi được cấp thẩm quyền phê chuẩn phương án sắp xếp.

“Để bảo đảm bố trí, sắp xếp con người, phải có chính sách vượt trội, đủ mạnh để chúng ta có cơ chế, chính sách thực hiện sắp xếp, với tinh thần vừa đảm bảo mục tiêu tinh gọn, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đồng thời phải bảo đảm tính ổn định và phát triển. Chúng ta cũng phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”, ông Minh khẳng định.

Đồng thời phải tính toán việc ưu tiên, bố trí, sử dụng những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội. Những người có kinh nghiệm, thâm niên công tác có bề dày, uy tín về nghề nghiệp, có kiến thức, kinh nghiệm sâu về chuyên môn của ngành, lĩnh vực đặc biệt, lĩnh vực đặc thù thì giữ lại phục vụ nền công vụ.

Thứ hai, bảo đảm nguyên tắc có sự đồng thuận của hai bên. Khi cán bộ công chức, viên chức, người lao động muốn nghỉ theo chính sách này, phải có nguyện vọng và được sự đồng thuận, thống nhất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Vậy chính sách phải tính toán căn cơ, bài bản, đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, đồng thời tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Sau chính sách này chúng ta thực sự có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực ngang tầm, đáp ứng được yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp.

Đấy là nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Nội vụ trong thời gian này. Còn lại việc liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ cùng đồng hành với các bộ để lấy phương án, trình cấp thẩm quyền xem xét từ nay cho đến cuối tháng 12.

Đồng thời thực hiện rất nhiều việc sau khi được phê duyệt các đề án này, liên quan đến trụ sở, con người… bảo đảm công việc không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nền hành chính liên tục, thông suốt, đồng bộ, hiệu quả.

 

Huyền Minh

Báo Lao động và Xã hội số 148