Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thị trường, đặc thù KT-XH địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng nguồn lao động.

Thảo luận tại phiên họp Quốc hội, đa số đại biểu bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025 với nhiều thành tựu nổi bật.

Cần có chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) khẳng định, trong một thế giới nhiều bất ổn, lạm phát tăng cao 3 năm vừa qua, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn nổi lên là điểm sáng.

Cụ thể: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, đặc biệt chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc… 

Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định chính trị xã hội, duy trì lạm phát ở mức tốt trong 10 năm qua, bình quân từ năm 2015 đến nay lạm phát chỉ 3%, cán cân thương mại thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay...

Từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động - 1
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh: “Năm 2024, tình hình lao động việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực…”

Về các nhóm giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới, ông Ngân nhấn mạnh tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu để gia tăng giá trị cho nền kinh tế. Từ đó, đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, tạo giá trị gia tăng như nông sản, thuỷ sản.

Về giải pháp thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, đại biểu Ngân cho rằng, hiện tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên, trong đó vốn đầu tư từ dân doanh vẫn thấp, vốn tại khu vực FDI tăng cao.

Chính vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt Quốc hội sắp bấm nút thông qua hàng loạt chính sách luật, Nghị quyết là một trong những biện pháp để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế kinh tế, cải thiện môi trường, huy động nguồn lực trong phát triển kinh tế.

Về động lực tiêu dùng, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiêu dùng nội địa đã tăng song vẫn chưa đạt được tỷ lệ hai con số như thời gian trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Ông Ngân đề nghị Chính phủ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ tăng tiêu dùng, trong đó có giảm, miễn thuế để kích cầu, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề lương hưu, trợ cấp, trợ cấp với người có công trong năm 2025.

"Rất mong Chính phủ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp. Chúng ta không tăng lương khu vực công nhưng phải tăng lương hưu, trợ cấp", ông Ngân kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định) cũng cho rằng, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm...

Do đó, đại biểu đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ nền kinh tế... Bên cạnh đó, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.

Mặt khác, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động - 2
Toàn cảnh thảo luận tại Hội trường 

Có cơ chế đặc thù hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão, lũ

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, đã hơn một tháng kể từ khi bão Yagi đi qua với sức tàn phá nặng nề, để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc. Với sự quyết liệt lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão. 

Để phòng tránh, ứng phó thiên tai, đại biểu đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ địa phương bị ảnh hưởng, nhất là địa phương miền núi.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện.

Về giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm, trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11%; Chương trình Mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 8%.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, nếu không có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ rất khó đạt mục tiêu năm 2024.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách, quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; quan tâm đầu tư cho công tác phòng ngừa, dự báo;

Đặc biệt là quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai để đảm bảo sẵn sàng ứng phó tốt nhất trong mọi tình huống.

Tháo gỡ vướng mắc về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Quan tâm về vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, năm nay tình hình lao động, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực.

9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng hơn 210.000 người so với cùng kỳ năm 2023.

Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 519.000 đồng. Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm. Tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Tỷ lệ lao động tham gia BHXH tăng 3,46% và tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 2,66%. Đặc biệt, lần đầu tiên trong vài năm gần đây tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,56%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tình hình lao động việc làm còn nhiều bất cập. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, chất lượng cung lao động còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập;

Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn;

Tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao; công tác định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh theo quyết định Thủ tướng Chính phủ chưa đạt mục tiêu đề ra. 

Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị Quốc hội và Chính phủ một số giải pháp:

Một là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.

Hai là, tăng cường thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp;

Chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.  

Ba là, đề nghị Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Quyết định 522 và có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề. 

Bốn là, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cũng đề nghị nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo mà kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, cần đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho giảng dạy ở các trường nghề để đảm bảo phù hợp với thực tế, xu hướng phát triển của xã hội, của doanh nghiệp, hạn chế lãng phí ở các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp.

Thái An

Báo Lao động và Xã hội số 133