Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Tĩnh Phan Tấn Linh cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, tổng số lao động của tỉnh Hà Tĩnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trên 80.000 người.
Bình quân mỗi năm có trên 7.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua tổng hợp, bình quân mỗi năm, số tiền người lao động đi làm việc ở nước ngoài được trả theo hợp đồng đạt từ 6.800-7.000 tỷ đồng,
Trong đó, số ngoại tệ gửi về nước trên 4.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Kỳ Ninh – một xã ven biển của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trong những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chính sách đưa con em đi xuất khẩu lao động nên đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Hàng năm, số lao động làm việc ở nước ngoài của Kỳ Ninh luôn dao động từ 1.500 – 1.600 người, trong đó tập trung chủ yếu tại các nước có thu nhập ổn định như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ninh cho biết: “Hàng tháng bình quân mỗi lao động làm việc ở nước ngoài gửi về từ 20 - 25 triệu đồng. Số tiền này, giúp cho các hộ gia đình nâng cao đời sống, đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới và các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.
Đặc biệt, một số hộ gia đình còn sử dụng nguồn ngoại tệ để xây dựng các mô hình kinh tế, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều người dân”.
Ngoài Kỳ Anh, hiện nay nhiều địa phương như: huyện Nghi Xuân, Can Lộc … có rất đông người đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn thu nhập từ lao động gửi về đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nằm ở ven biển, trước đây người dân chủ yếu dựa vào nghề đi biển và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nên cuộc sống khó khăn.
Thế nhưng, khoảng vài chục năm nay, với việc giúp nhau cùng đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã mang lại thu nhập cao cho người dân nên cuộc sống của người dân nơi đây trở nên giàu có, nhiều người còn gọi là “làng tỉ phú”.
Cảnh nhà cửa cao tầng san sát, ôtô sang đậu đầy sân nhà khiến nhiều người đến đây ngỡ rằng là một đô thị, một phố phường chứ chẳng phải là làng quê nữa.
Bà Hoàng Thị Thành (55 tuổi, trú tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián) cho biết: “Gia đình bà hiện có chồng và 4 người con đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay, người đi lâu nhất là khoảng 14 năm, mỗi người gửi về khoảng 1.000 USD/tháng”.
“Nhiều gia đình có 5-7 người đi xuất khẩu lao động là bình thường. Cứ một vài người đi trước có vốn sau cho người khác mượn tiền để đi, dần dần cả làng, cả xã cùng đi xuất khẩu lao động” - bà Thành chia sẻ.
Sáng 19/2, ông Hoàng Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Cương Gián - thông tin, toàn xã Cương Gián có hơn 3.390 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu, trong đó hiện có gần 3.000 người đang đi xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Châu Âu... Nhiều người sang nước ngoài lao động nhiều năm rồi ở lại định cư lâu dài luôn.
“Mỗi năm, toàn bộ số lao động của xã chúng tôi ở nước ngoài gửi về nước khoảng 400-500 tỉ đồng. Ở đây, mỗi gia đình có từ 5 đến 10 người đi xuất khẩu lao động làm việc tại nước ngoài là rất nhiều” - ông Hà thông tin thêm.
Ông Phan Tấn Linh chia sẻ: “Số ngoại tệ do lao động ở nước ngoài gửi về mang lại nhiều ý nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, tình trạng người Hà Tĩnh đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng, đặc biệt di cư tự do sang làm ăn, buôn bán còn đặt ra không ít thách thức.
Lao động không làm việc theo hợp đồng sẽ dễ gặp phải các rủi ro như: làm việc trong môi trường độc hại, không được trả lương hoặc trả lương không đầy đủ, bị lạm dụng, bóc lột hoặc bị ngược đãi. Thực tiễn trong thời gian qua không ít các vụ việc đau lòng đã xảy ra đối với lao động không theo hợp đồng như: tại nạn, bị ngược đãi…
Ngoài ra, việc có nhiều lao động “chui” còn để lại các hậu quả nặng nề. Năm 2022, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã thống nhất dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đối với người lao động ở 8 huyện trong cả nước, trong đó có huyện Nghi Xuân và Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh.
Mãi đến đầu năm 2024, Hàn Quốc gỡ bỏ tạm dừng tuyển chọn lao động đối với các huyện này, là cơ hội để người lao động tại các địa phương này sang Hàn Quốc làm việc sau nhiều năm bị từ chối”.
“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, quan trọng nhất là cần làm tốt công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng để tiếp cận các thị trường yêu cầu lao động kỹ thuật, thu nhập cao.
Từ nay đến 2025, Hà Tĩnh phấn đấu đưa khoảng 25.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... sẽ mở rộng thị trường, hướng tới các nước như: Đức, Nga, Australia, Israel và một số nước châu Âu khác”, ông Linh nhấn mạnh.