Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Nhật Bản đẩy mạnh tiếp nhận lao động kỹ năng nghề khách sạn Việt Nam

Ngày 4/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Hiệp hội các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn toàn Nhật Bản ký Bản ghi nhớ hợp tác đẩy mạnh tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định Việt Nam ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn sang làm việc tại Nhật Bản.

Chương trình ký kết nhằm cụ thể hóa và tạo điều kiện cho lao động đặc định Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và khách sạn. Bản ghi nhớ này sẽ thiết lập khung hợp tác hai bên thúc đẩy các hoạt động, hợp tác trong việc phái cử và tiếp nhận lao động đặc định Việt Nam trong lĩnh vực lưu trú và khách sạn đến Nhật Bản.

Nhật Bản đẩy mạnh tiếp nhận lao động kỹ năng nghề khách sạn Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại lê ký kết.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, "kỹ năng đặc định" là kỹ năng nghề được xác định, được cấp chứng chỉ thông qua kỳ thi tay nghề do phía Nhật Bản phối hợp với cơ quan quản lý Việt Nam tổ chức thi tại Việt Nam gồm ngoại ngữ và chuyên môn. Cuối năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó cho phép tiếp nhận lao động "kỹ năng đặc định" người nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản kể từ ngày 1/4/2019.

Tổng số gồm 14 ngành nghề với tổng số lượng 345.150 người sẽ được tiếp nhận trong 5 năm, gồm xây dựng (40.000 người), đóng tàu (13.000 người), nông nghiệp (36.500 người), thực phẩm (34.000 người), nhà hàng ăn uống (53.000 người), ngư nghiệp (9.000 người), vệ sinh tòa nhà (37.000 người), công nghiệp rèn đúc (21.500 người), điện, thông tin điện tử (4.700 người), bảo dưỡng/sửa chữa ô tô (7.000 người), hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý (2.200 người), hộ lý chăm sóc người cao tuổi (60.000 người), hàn cơ khí (5.250 người), lưu trú khách sạn (22.000 người).

Nhằm tăng cường bảo hộ lao động kỹ năng đặc định, tạo thuận lợi cho việc phái cử, tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của hai nước, đặc biệt là loại trừ các trung gian xấu và các hoạt động trái pháp luật liên quan đến lao động kỹ năng đặc định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 4 Bộ, ngành của Nhật Bản (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế Lao động Phúc lợi xã hội và Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản) đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình "lao động kỹ năng đặc định" đi làm việc tại Nhật Bản (MOC).

Nhật Bản đẩy mạnh tiếp nhận lao động kỹ năng nghề khách sạn Việt Nam - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chứng kiến chứng kiến Công ty Hoàng Long- JHL và Hiệp Hội khách sạn lưu trú của Nhật Bản ký kết tiếp nhận lao động kỹ năng nghề đặc định trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn.

Trên cơ sở bản ghi nhớ này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng đồng bộ các phương án triển khai gồm có phương án thông tin tuyên truyền sâu rộng để người lao động quan tâm có thể tiếp cận thông tin về chương trình cũng như hiểu được chính sách pháp luật của hai nước liên quan đến chương trình lao động kỹ năng đặc định. Lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đưa lao động kỹ năng đặc định sang làm việc tại Nhật Bản. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng có các điều kiện đãi ngộ tốt đối với lao động kỹ năng đặc định của Việt Nam…

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, việc triển khai chương trình trên cơ sở bản Thỏa thuận này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam trong ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, gắn kết giữa thị trường lao động trong nước với quốc tế. Đồng thời, cũng sẽ giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế. Việc hợp tác này là động lực để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực hợp tác lao động, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ giữa hai nước.

Tính đến nay, Việt Nam đã phái cử được trên 250 nghìn thực tập sinh sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Riêng năm 2018, tổng số thực tập sinh được phái cử sang Nhật Bản đạt gần 70 nghìn người, chiếm hơn 50% số lượng tiếp nhận của Nhật Bản và Việt Nam đã trở thành quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Hiện có gần 200 nghìn thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản. Ngoài ra, hàng năm, Việt Nam cũng phái cử hàng nghìn kỹ thuật viên sang Nhật Bản theo diện lao động kỹ thuật. Theo số liệu thống kê, hiện tại có khoảng trên 30 nghìn lao động kỹ thuật của Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp của Nhật Bản.

Với việc dân số Nhật Bản đang bị già hóa và giảm về số lượng thì nguồn lao động thực tập sinh nước ngoài, lao động kỹ năng đặc định, nhất là từ Việt Nam, đang là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản trong hầu hết các ngành nghề. Có thể nói, người lao động Việt Nam nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của phía Nhật Bản là kết quả từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đào tạo, phái cử, tính cách con người thực tập sinh và sự quan tâm của Chính phủ đối với chương trình này. Khi làm việc với đoàn thể quản lý và cơ sở tiếp nhận Nhật Bản, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá cao tính cần cù, ham học hỏi, tình cảm yêu quý đất nước và con người, văn hóa Nhật Bản, sự khéo léo, thông minh của thực tập sinh Việt Nam. Đây cũng là nguồn tài sản quí giá, là cầu nối vun đắp cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới.

Thứ trưởng tin tưởng: "Trên cơ sở bản ghi nhớ này và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, sẽ có nhiều lao động Việt Nam có cơ hội sang Nhật Bản học tập và làm việc và khi trở về các em sẽ góp phần thúc đẩy phát triển của Việt Nam và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước".