Cũng theo thông tin từ ông Độ, hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu của người học, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có chương trình, khóa đào tạo và nơi đào tạo để lựa chọn, tiếp cận. Theo đó, đối tượng người học rộng, đa dạng, từ đủ 15 tuổi trở lên (một số nghề tuyển sinh người dưới 15 tuổi). Các trường nghề có thể tuyển sinh đào tạo nhiều lần trong năm, theo hình thức xét tuyển là chủ yếu, theo yêu cầu của người học và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động – đào tạo theo hướng cầu.
Ông Độ cho rằng, giải pháp để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở góp phần phòng ngừa lao động trẻ em cần rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về giáo dục nghề nghiệp, trước hết là các quy định về đăng ký hoạt động; mẫu biểu sổ sách quản lý dạy và học; việc đào tạo ngoại ngữ... Xóa bỏ những quy định gây cản trở việc triển khai hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt. Không phân biệt hình thức đào tạo trong văn bằng, chứng chỉ cấp cho người học. Mở rộng việc thực hiện giám sát, kiểm tra và hậu kiểm. Cùng với đó, hình thành hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phân tầng. Nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng các yếu tố đảm bảo; đổi mới phương thức đào tạo theo hướng đào tạo theo tích lũy mô đun, tín chỉ, nhằm đáp ứng nhu cầu học suốt đời của người lao động. Đặc biệt là tăng cường công tác phân luồng.
Ông Độ cho hay, mục tiêu được đặt ra trong Chỉ thị số 10 là "phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề vào năm 20020". Trong thời gian gần đây, tuyển sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp có xu hướng tăng. Hàng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, trong số đó có: 90 - 95% số đó vào học THPT và chỉ có có 5% - 10% vào học tại các cơ sở GDNN hoặc ra thị trường lao động làm lao động giản đơn. Hàng năm, có gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT (năm 2018: là trên 925 nghìn học sinh; năm 2019 là 886 nghìn học sinh), trong đó có khoảng 70 - 80% học sinh đăng ký xét tuyển đại học. Chỉ còn khoảng trên 10% học sinh đi vào GDNN và vào thị trường lao động.
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN tăng do thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" và chính sách miễn học phí đối với học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu đề ra. Và thấp so với các nước khác như Đức là khoảng 70%, các nước Châu Âu dao động khoảng 50 - 70%, các nước khu vực ASEAN khoảng 40 - 50%.
Luật GDNN quy định, các cấp trình độ đào tạo của GDNN, học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn học nghề phù hợp với điều kiện của mình như: Sơ cấp, trung cấp. Luật Giáo dục sửa đổi thông qua năm 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, trong đó có những điều khoản tác động đến công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp. Điểm mới đáng chú ý là học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể đăng ký học hệ cao đẳng chính quy. Tổng thời gian học là 4 năm, bao gồm các môn học văn hóa. Có 2 hình thức đào tạo, thứ nhất được học 4 môn văn hóa và được cấp bằng cao đẳng, không cấp kèm bằng THPT. Nhưng được xác nhận hoàn thành chương trình phổ cập nội dung văn hóa. Ở hình thức thứ hai, các em được học văn hóa tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên. Với hình thức học này các em được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.
Lợi ích của việc phân luồng học nghề là giúp các em tiết kiệm được thời gian, liên thông lên trình độ cao hơn, tiết kiệm chi phí và phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình. Các em sau khi học nghề sẽ chủ động tay nghề khi tham gia thị trường lao động; tránh việc tham gia thị trường lao động sớm, không có nghề của một bộ phận trẻ em. Đồng thời, góp phần cơ cấu lại lực lực lượng lao động và cơ cấu trình độ đào tạo cho nền kinh tế.