Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông, các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt là sự có mặt của đông đảo nông dân đến từ các địa phương cả nước- đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.
Theo Ban Tổ chức, trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân…
Tại hội nghị lần này, tham dự đối thoại cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, còn có các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành để cùng Thủ tướng trả lời, giải đáp các vướng mắc, khó khăn của bà con nông dân.
Phát biểu trước khi vào phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Tại hội nghị này, không chỉ có Thủ tướng và các bộ, các cơ quan liên quan sản xuất tiêu thụ đều phải chủ động. Hiện nay, chưa kể biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, nhất là ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL, những giải pháp nào có thể phát huy lợi thế của bà con nông dân, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn bà con nêu ra các vấn đề thiết thực như: sản xuất sản phẩm giá cao, cạnh tranh không được trong khi hội nhập quốc tế thì sản phẩm nước ngoài vào, làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bán cho người tiêu dùng trong nước và hướng về xuất khẩu.
Thủ tướng cũng muốn nghe ý kiến của bà con ở ĐBSCL, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Đó cũng là lý do tổ chức cuộc đối thoại hôm nay tại TP. Cần Thơ. Thủ tướng đề nghị người nông dân cũng phải tự đổi mới, phải vào hợp tác xã cũng như liên kết vùng làm sao mang lại hiệu quả tốt nhất.
Tại hội nghị này, không chỉ có Thủ tướng và các bộ, các cơ quan liên quan sản xuất tiêu thụ đều phải chủ động. Hiện nay, chưa kể biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, nhất là ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL, những giải pháp nào có thể phát huy lợi thế của bà con nông dân, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
Hội nghị lần này tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Thực tiễn sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản; Nguồn vốn tín dụng, đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu; Xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại.
Một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân đó chính là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Để giải quyết được vấn đề khó khăn này cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt. Tất cả các giải pháp đó sẽ tập trung cho việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Vì vậy, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với người nông dân có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khẳng định Chính phủ kiến tạo, vì dân.
Tại Hội nghị, Nông dân Lý Thị Nga, ở tổ Xuân Đại, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, Cao Bằng nêu câu hỏi: Hiện nay có không ít con em nông dân ở vùng sâu, vùng xa muốn được học nghề nhưng gặp nhiều khó khăn do không có địa điểm học nghề tại địa phương, học xa phải ở trọ. Vậy Chính phủ có kế hoạch gì, chính sách gì để đưa việc dạy nghề về tận địa phương cho các cháu được đi học nghề nhiều hơn không?
Nhiều họ hàng tôi đã lên thành phố làm lao động tư do, kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi các cháu ăn học. Nhưng lao động di cư lên thành phố sống khổ lắm, điều kiện sống chật chội, đi làm nhiều rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, các cháu lên học hành cũng khó khăn tìm trường, điện nước thì giá cao…
Giả đáp thắc mắc của các Nông dân Lý Thị Nga, về vấn đề Xuất khẩu lao động ở nông thôn, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp phép cho nhiều lao động có hợp đồng ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... với 130.000 người làm việc ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chấp hành tương đối tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tâm lý của người dân muốn làm sao đi thật nhanh, thiếu thông tin để lừa đảo.
Để tránh lừa đảo, người dân có thể tham khảo thông tin chính xác trên website của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tránh mất số tiền lớn mà vẫn không được lao động một cách hợp pháp.
"Nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là vùng ĐBSCL, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng 'Đề án chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL giai đoạn 2021-2030' trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020. Theo đó, tập trung đào tạo chuyển đổi nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông nghiệp cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các hợp tác xã nông nghiệp" Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh.