Trước mắt, hệ lụy với bóng đá Việt Nam là hiện hữu, còn về lâu về dài thì sự thiếu ổn định về tài chính này sẽ kéo tụt nền bóng đá nước nhà.
Cầu thủ cả đội đi đòi nợ
Vừa qua, toàn bộ các cầu thủ đội 1 câu lạc bộ (CLB) Thanh Hóa viết đơn kiện gửi lên UBND tỉnh Thanh Hóa và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), về việc mình bị nợ lương, thưởng kéo dài trong suốt 2 năm.

Đơn khiếu nại cho biết, các cầu thủ trên đang bị nợ tổng số tiền gần 20 tỷ đồng cộng với khoản tiền lương từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay. Số tiền nợ chủ yếu là các khoản hứa thưởng cho các danh hiệu (2 lần giành cúp Quốc gia, 1 Siêu cúp Quốc gia, các trận thắng ở V-League).
"Trong suốt 2 mùa giải qua cho tới nay dù tập thể cầu thủ và Ban huấn luyện luôn đối mặt với việc bị chậm lương, chậm thưởng, chậm phí hợp đồng nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ tinh thần tập luyện và thi đấu với sự chuyên nghiệp cao nhất với thành tích cụ thể là giành 2 Cúp vô địch Quốc gia và 1 siêu cúp Quốc gia trong 2 năm liên tiếp, điều chưa từng có trong lịch sử đội bóng.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được chế độ như đã cam kết, gây nên những sự khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc, hiện tại mùa giải mới sắp bắt đầu nhưng CLB vẫn chưa thanh toán tiền lương, tiền phí hợp đồng như đã ký kết và tiền thưởng như đã hứa.
Vì những lý do trên, chúng tôi quyết định tạm dừng tập luyện cho đến khi những vấn đề trên được giải quyết", đơn của các cầu thủ Thanh Hóa viết.
Ở một diễn biến khác, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vừa thông báo cho VFF về việc cấm CLB Khánh Hòa đăng ký cầu thủ. Lý do bởi CLB Khánh Hòa bị ngoại binh Mamadou Guirassy kiện lên Văn phòng giải quyết khiếu nại FIFA vì bị đội bóng Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng và "xù" 26.000 USD (650 triệu đồng). Nếu không thanh toán tiền gốc lẫn lãi suất cho Guirassy, đội Khánh Hòa có thể bị cấm 3 kỳ chuyển nhượng vì vi phạm hợp đồng.
Huấn luyện viên Trần Trọng Bình của CLB Khánh Hòa cho biết: "Chúng tôi đã nhận được văn bản này cách đây vài ngày. Về tranh chấp này, phòng pháp lý của đội bóng sẽ có phương án giải quyết với cầu thủ. Thực sự đội bóng đang khó khăn. Tôi cũng đang chờ phương hướng của lãnh đạo".
Trước tình hình này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu CLB Khánh Hòa tập trung tìm cách xử lý dứt điểm các khoản nợ cũ. Khi trả hết nợ cũ mới tính toán đến phương án trả những khoản nợ mới trong mùa giải tới.
Nền bóng đá chưa chuyên nghiệp
Trong nhiều năm qua, câu chuyện đội bóng nợ lương cầu thủ vẫn nhiều như cơm bữa. Bản thân CLB Thanh Hóa cũng không ít lần bị cầu thủ đình công. Trước đó, CLB Than Quảng Ninh đã buộc phải giải thể vào tháng 8/2021 sau khi nhiều cầu thủ đồng loạt gửi đơn kêu cứu vì bị nợ lương, thưởng, lót tay lên tới cả trăm tỷ đồng.
Trước Than Quảng Ninh, khi V-League 2012 kết thúc, CLB Navibank Sài Gòn tuyên bố ngừng hoạt động với lý do hết kinh phí. Sau đó đến lượt Sài Gòn Xuân Thành tuyên bố bỏ giải và giải tán khi V-League 2013 chỉ còn 2 lượt đấu. Vào cuối mùa V-League 2013, đội Kiên Giang tuyên bố giải thể cũng với lý do thiếu kinh phí.
Chưa hết, sau V-League 2014, CLB Hùng Vương An Giang giải thể. Gần đây thì CLB Ninh Bình, Sài Gòn FC cũng lần lượt giải tán. Ngay trong năm 2024, cụ thể là hiện tại, có tới 4 - 5 đội bóng hạng Nhất có nguy cơ giải thể vì không đủ kinh phí hoạt động. Theo thống kê, trong 3 năm qua, có tới 6 đội hạng Nhất phải bỏ giải vì vấn đề tài chính.
Một trong những nguyên nhân chính khiến đội bóng bỏ giải, nợ lương cầu thủ là vì kinh tế khủng hoảng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là bóng đá Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp, vẫn phụ thuộc nhiều vào các ông bầu. Và, khi doanh nghiệp lao đao, các đội bóng nợ lương cầu thủ cũng là chuyện dễ hiểu.
Chỉ đến khi bóng đá nuôi được bóng đá, với nguồn thu từ bản quyền truyền hình, quảng cáo, bán sản phẩm của CLB như các nền bóng đá phát triển, khi đó bóng đá Việt Nam mới phát triển bền vững.
Quang Minh
Báo Lao động và Xã hội số 99