Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt, giá thuê nhà cao… là lý do rất nhiều công nhân mong muốn được tăng lương để có tiền trang trải cuộc sống và có một phần tích lũy.

Nhiều công nhân, cán bộ công đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2025 khoảng 6% để bù trượt giá và cải thiện thu nhập.

Tăng lương để đảm bảo cuộc sống, có thêm tích lũy

Tăng lương để có thêm tài chính trang trải cuộc sống là mong muốn của nhiều công nhân hiện nay. Hai vợ chồng chị Đồng Thị Hoàn (Cao Bằng) hiện đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Với mức thu nhập khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng/người song anh, chị phải tăng ca thường xuyên để có tiền chi trả sinh hoạt phí, nuôi con nhỏ. 

Công nhân ngóng tăng lương từng ngày… - 1
Gia đình chị Hoàn mong sớm được tăng lương nhưng giá sinh hoạt không “té nước theo mưa”…

Nhà có 3 người nhưng gia đình chị chỉ dám thuê phòng trọ khép kín chừng 15m2 vừa một chiếc giường con, một cái bếp nhỏ với chiếc bàn gỗ đặt cạnh tủ lạnh và một chiếc tủ quần áo để tiết kiệm chi phí. Chị Hoàn cho hay, giá thuê trọ mỗi tháng 1,5 triệu đồng.

Tính cả tiền điện, nước, mỗi tháng hết khoảng 2,5 triệu đồng. Con của chị còn nhỏ, bố mẹ hay phải tăng ca nên hàng tháng chị phải gửi học ở trường tư với tổng chi phí hết gần 5 triệu đồng, đó là chưa kể tiền sữa, tiền thuốc vì con hay ốm…

“Chi phí sinh hoạt đắt nên dù tiết kiệm nhưng mỗi tháng hai vợ chồng cũng chỉ đủ chi tiêu, tháng nào có tăng ca thì để dành được vài triệu đồng. Lương không tăng nhưng ra chợ, từ ổ bánh mỳ, bìa đậu phụ đến thịt lợn đều tăng giá…

Cứ luẩn quẩn như thế này không biết khi nào cuộc sống mới khá lên được. Thế nên, tôi rất mong được tăng lương để có thêm khoản tích lũy”, chị Hoàn cho biết.

Hai vợ chồng anh Hoàng Đình Thao (Tuyên Quang) cũng đều là công nhân tại KCN Hanel (Long Biên, Hà Nội). Anh Thao cho biết, lương của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng/người, tháng nào có tăng ca nhiều thì mức thu nhập tăng lên, khoảng 12 triệu đồng/tháng.

So với làm ruộng ở quê thì đây là mức thu nhập cao, hàng tháng nhận được một khoản tiền mà khi ở quê vợ chồng anh luôn mơ ước. Tuy nhiên, ở thành phố mọi sinh hoạt phí cao, lại thêm tiền thuê nhà nên không để dành được bao nhiêu. Đó là chưa kể chi phí nuôi hai con nhỏ ăn học ở Thủ đô, rồi tiền gửi về quê phụ giúp bố mẹ già bị bệnh…

“Chúng tôi chỉ mong được tăng lương, tăng thêm thu nhập, dù có tăng ca làm việc nhiều hơn cũng chấp nhận. Điều chúng tôi mong hơn nữa là lương tăng nhưng chi phí sinh hoạt không vì thế mà tăng theo, chỉ lo mỗi tháng lương tăng thêm khoảng 1 triệu đồng thì chi phí sinh hoạt cũng tăng tương ứng…

Tôi mong công ty có nhiều việc để thu nhập ổn định. Công đoàn quan tâm, chăm sóc nhiều hơn đến đời sống đoàn viên như chính sách hỗ trợ nhà cho thuê giá rẻ”, anh Thao nói.

Tăng lương tối thiểu, thu nhập của NLĐ cũng sẽ nâng lên

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, theo quy định, Chính phủ sẽ ban hành điều chỉnh lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hội đồng Tiền lương quốc gia có 3 cơ quan đại diện và 1 số chuyên gia độc lập.

Nghị quyết số 27-NQ/TW khẳng định, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hiện lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Do đó, năm 2025 đã có đầy đủ cơ sở để điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng phụ thuộc vào 7 yếu tố (trong đó có những yếu tố chuyên sâu): Mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình; mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường;

Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện khảo sát sơ bộ về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương và thu nhập của NLĐ dịp tết. Tuy nhiên, để đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, cần thực hiện thêm các khảo sát chuyên sâu hơn trong thời gian tới.

Qua khảo sát ban đầu, phần lớn NLĐ mong muốn được tăng lương tối thiểu. Bởi lẽ, mỗi lần có Nghị định điều chỉnh lương tối thiểu, mức thu nhập của lao động có thu nhập thấp cũng sẽ được điều chỉnh theo.

“So với nhu cầu thực tế và mức sống hiện tại, NLĐ rất mong mức lương tối thiểu vùng năm 2025 được điều chỉnh tăng để đảm bảo cuộc sống. 

Lương tối thiểu vùng đóng vai trò là mức sàn để đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ. Tuy nhiên, quan trọng hơn, cần nâng cao năng lực của công đoàn cơ sở để hỗ trợ NLĐ thương lượng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu thông qua thỏa ước lao động tập thể”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 là trên 8% và hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Điều đó đồng nghĩa với việc năng suất lao động cũng phải tăng, từ đó tạo cơ sở để điều chỉnh lương tối thiểu nhằm khuyến khích NLĐ.

Tiền lương là động lực để NLĐ cống hiến. Theo tinh thần Nghị quyết về tăng trưởng kinh tế mới được Quốc hội thông qua mới đây, đầu tư vào tiền lương chính là đầu tư cho phát triển, đầu tư vào nguồn nhân lực. Vì vậy, khi tăng lương tối thiểu, thu nhập chung của NLĐ cũng sẽ được nâng lên.

Việc tăng lương không chỉ giúp cải thiện đời sống NLĐ mà còn tạo động lực thúc đẩy năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế phát triển, NLĐ sẽ được hưởng lợi từ thành quả đó.

Vân Khánh

Ảnh: Mạnh Dũng 

Báo Lao động và Xã hội số 26

Tin liên quan
Nhiều giải pháp hút lao động sau tết

Nhiều giải pháp hút lao động sau tết

(LĐXH) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, trước tết, Bộ đã có dự báo tình hình và hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải...