Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, xem xét giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần nhằm thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Trước đề xuất này, người lao động, doanh nghiệp và các chuyên gia lao động đều có sự băn khoăn.
Lao động mong tăng lương hơn giảm giờ làm
Là người có hơn 20 năm gắn bó với công việc may giày xuất khẩu, nếu không tăng ca làm việc đủ 48 giờ/tuần thì chị Đặng Thị Hồng, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam nhận mức thu nhập khoảng 11 triệu đồng/tháng.

Số tiền này chỉ đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình 4 thành viên đang ở trọ trên địa bàn quận Bình Tân (TPHCM). Trước đề xuất giảm giờ làm chị Hồng vừa mừng, vừa lo, bởi sức khỏe của chị không biết có đủ đáp ứng yêu cầu về hiệu suất công việc khi giảm thời gian làm việc.
“Nếu mình giảm thời gian làm việc xuống mà mức lương vẫn giữ nguyên thì đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải tính lại chế độ làm việc, cũng như sắp xếp lại công việc cho mình để làm sao đảm bảo định mức sản phẩm làm ra tương ứng với thời gian làm việc trước đây.
Ví dụ, trước đây mình làm 8 tiếng/ngày được 500 đôi giày, giờ mình làm 7 tiếng vẫn phải đạt 500 đôi giày. Điều đó sẽ làm tăng thêm áp lực trong công việc đối với người lao động”, chị Hồng bày tỏ.
Còn với chị Nguyễn Thị Phương, công nhân một công ty may xuất khẩu tại Phú Thọ cho biết, công ty đang áp dụng chế độ làm việc 48 giờ/tuần và mỗi ngày tăng thêm 1 đến 2 giờ tăng ca tùy thuộc đơn hàng của doanh nghiệp.
Với thời gian làm việc như vậy cho bộ phận kho của chị Phương thì mỗi tháng bao gồm cả tiền lương, tăng ca, thưởng sáng kiến, năng suất và ăn trưa được khoảng 10 triệu đồng. Trước đề xuất giảm giờ làm, chị Phương lo ngại, giảm giờ làm mà lương vẫn giữ nguyên thì doanh nghiệp sẽ phải tính toán để giảm các khoản phúc lợi khác đối với người lao động.
Như vậy, đồng nghĩa với việc giảm giờ làm thì thu nhập sẽ giảm, điều đó với người lao động không ai mong muốn. “Và để bù đắp khoản thu nhập bị giảm mình sẽ phải kiếm thêm công việc khác mới mong đủ trang trải cho gia đình”, chị Phương nói.
Theo chị Phương, chủ trương giảm giờ làm mà vẫn giữ nguyên được thu nhập thì ai cũng muốn. Nhưng nếu giảm giờ làm, thu nhập hạn chế thì bằng cách này hoặc cách khác người lao động sẽ phải làm thêm để cải thiện mức sống và như vậy thì mục tiêu tái sản xuất sức lao động sẽ không đạt. “Chính vì vậy chúng tôi mong tăng lương hơn giảm giờ làm”.
Chung nỗi tâm tư, chị Nguyễn Thị Liên, công nhân của một doanh nghiệp tại huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: “Nếu được giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần thì mình sẽ có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình hơn.
Tuy nhiên, lương của mình tính theo sản phẩm, làm càng nhiều thì lương thưởng càng cao. Nếu giảm giờ làm thì đồng nghĩa với việc sản phẩm làm ra sẽ giảm xuống. Như vậy thu nhập hàng tháng giảm”.
Doanh nghiệp lo tăng gánh nặng chi phí
Trước đề xuất giảm giờ làm, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh năng suất lao động còn thấp cần duy trì giờ làm việc chính thức như hiện tại và việc nghỉ ngày thứ bảy lúc này chưa hợp lý. Nếu giảm giờ làm sẽ khiến chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cả nền kinh tế.
Ông Phí Quang Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long cho biết, lao động tại đây đang làm việc 48 giờ/tuần và tuần làm 6 ngày theo quy định của Bộ luật Lao động.
Nếu giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần thì đồng nghĩa thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nhiều, khó đảm bảo cuộc sống. Còn với doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề nhân sự, phải tăng chi phí tuyển dụng thêm nguồn nhân lực.
Bà Cao Thùy Như, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Maxcore cho rằng, giảm thời gian làm việc đồng nghĩa với doanh nghiệp phải tuyển thêm người, bổ sung máy móc. Tuyển lao động đang là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp may hiện nay.
“Sau mấy năm dịch Covid-19, một số doanh nghiệp may đang phục hồi sản xuất, có nhiều đơn hàng thì lại lo ngay ngáy thiếu người làm để đảm bảo giao hàng đúng thời gian quy định. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ khó có thể sắp xếp được thời gian làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần”, bà Như cho hay.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Bộ luật Lao động 2019 quy định người làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần.
Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Quy định này duy trì sau nhiều lần sửa luật, được cân nhắc trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp, phải kéo dài thời gian làm việc.
“Theo tôi, vấn đề giảm thời gian làm việc không nên đưa cứng mà chỉ nên khuyến khích những doanh nghiệp có điều kiện để làm chứ nếu đưa vào luật thì không khả thi trong điều kiện năng suất lao động còn thấp, người lao động cũng muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập.
Đề xuất này không khả thi trên diện rộng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến chính người lao động”, ông Hoàng Quang Phòng nói.
Hiện nay các nước ASEAN đều duy trì làm việc ngày thứ bảy, chỉ Indonesia cho nghỉ vì thiếu việc làm. Nhiều ý kiến cho rằng từ đề xuất đi vào thực tế cần phải chuẩn bị dần các điều kiện như: Cải thiện năng suất làm việc, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập cho người lao động. Thực tế đã chứng minh, để từ một nước có thu nhập trung bình thấp đến thu nhập trung bình cao và cao thì người lao động ở tất cả các nước phải làm việc chăm chỉ và phải thúc đẩy xã hội làm việc. |
Nguyễn Síu - Bảo Châu
Báo Lao động Xã hội số 64