Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Khi tăng lương cần quan tâm đến điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Ngọc Bích
Ngọc Bích

Với nhiều người, đi cùng niềm vui tăng mức lương cơ sở là nỗi lo, lương tăng từ 9 lên 12 triệu đồng, họ băn khoăn về mức giảm trừ gia cảnh và đóng thuế thu nhập cá nhân.

Việc tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 được kỳ vọng giúp nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Nhưng với nhiều người, đi cùng niềm vui là nỗi lo, lương tăng từ 9 lên 12 triệu đồng, họ băn khoăn về mức giảm trừ gia cảnh và đóng thuế thu nhập cá nhân.

Với mức lương mới, thu nhập có tăng lên so với trước đây nhưng chi phí sinh hoạt lại cũng tăng theo, cùng với đó là số tiền thuế thu nhập cá nhân cũng tăng lên do mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên. 

giam tru gia canh.png
Khi tăng lương cần quan tâm đến điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (Ảnh minh họa: IN).

Tăng lương là điều mà tất cả người lao động đều mong chờ. Tuy nhiên nếu tăng lương mà không đi cùng việc giải quyết nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế giảm trừ gia cảnh sẽ khiến người làm công ăn lương chịu áp lực đóng thuế thu nhập, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống.

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. 

Sau hơn 4 năm duy trì, mức giảm trừ gia cảnh này được cho là đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tế. 

Vì vậy bên cạnh tăng lương, kiềm chế lạm phát, nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ cần sớm trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm 2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025 để đảm bảo điều chỉnh đồng bộ hệ thống pháp luật cũng như quyền lợi cho người lao động.

Trao đổi về nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, từ ngày 1/7/2024, đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, khi lương tăng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nghiên cứu. 

“Mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế của người lao động. 

Nên chăng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế để theo hướng tỷ lệ thuận với mức tăng của lương. 

Khi tăng lương 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% thì mới hợp lý”, đại biểu Thái Văn Thành nêu quan điểm.

Theo nhiều chuyên gia, tăng lương cơ sở lần này là phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, tiệm cận với các quy chuẩn quốc tế.

 Khi cải cách tiền lương thì phải giữ cho được tiền lương thực chất là lượng tiền người cán bộ, công chức viên chức tiêu dùng trong cuộc sống và đảm bảo cuộc sống được tốt đẹp hơn. 

Thế nên việc giảm trừ gia cảnh cần tính toán kỹ lưỡng hơn để người lao động không thiệt thòi. Nếu không điều chỉnh kịp thời mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ý nghĩa chính sách cải cách tiền lương.

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương và tiền công của người lao động nộp thuế. 

Thuế thu nhập cá nhân chủ yếu thu của người làm công ăn lương nên mức giảm trừ gia cảnh thấp như vậy không thu hút được những chuyên gia, người lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại địa bàn.

Hiện nay có rất nhiều đơn vị đang áp dụng mức lương thanh toán theo năng suất nhưng khi người lao động thấy rằng phấn đấu để có thu nhập cao hơn thì lại nghĩ đến ngưỡng phải nộp thuế cao hơn nên họ sẽ không làm hết năng lực, khả năng của mình và tâm lý cũng không nhiệt huyết trong công việc.

Thực tế 4 năm qua, giá của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng; thậm chí có một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. 

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục áp dụng mức giảm trừ gia cảnh nói trên đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là đối với người lao động ở các thành phố lớn. 

Tin liên quan